Từ năm 2005 đến nay, tỉnh ta đã ban hành 15 văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, đồng thời đã ban hành các đề án, kế hoạch để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành đã tích cực, chủ động, phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, như: Tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề ra các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững; đầu tư nhiều dự án bảo vệ môi trường nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng, chỉnh trang đô thị và làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp hơn. Cùng với đó, việc đầu tư và sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường về cơ bản đã đảm bảo, đạt trên 1% tổng ngân sách địa phương. Kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tự giác đầu tư kinh phí xây dựng, lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý chất thải, thực hiện chương trình tự giám sát chất lượng môi trường,… đem lại hiệu quả tích cực trong sản xuất và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, bộ máy cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường từ tỉnh đến các địa phương đã được kiện toàn. Các địa phương đã thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường và bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường. Một số đơn vị đã tuyển dụng và bố trí cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành quản lý môi trường như thành phố Ninh Bình, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh, huyện Yên Mô. Công tác quản lý Nhà nước về môi trường cấp xã đều có cán bộ kiêm nhiệm.
Từ việc tăng cường quản lý và đầu tư, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân từng bước được nâng lên. Công tác bảo vệ môi trường đã được xã hội hóa, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, hội, đoàn thể đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường. Các quy định về bảo vệ môi trường được đưa vào nội quy cơ quan, quy ước, hương ước thôn bản và là một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại cơ quan, đơn vị văn hóa, làng xã văn hóa.
Nhiều xã, phường, thị trấn đã tổ chức ngày vệ sinh môi trường, huy động các em học sinh, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh. Nhiều đơn vị đã hình thành mô hình phụ nữ tự quản, thanh niên tự quản tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện nay, với những nỗ lực về môi trường, đã có trên 90% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và một số thị trấn đã được thu gom vận chuyển về bãi rác thải chung của tỉnh tại khu Quèn Khó (thị xã Tam Điệp) để xử lý. Riêng khu vực nông thôn, có 64/124 xã hình thành tổ thu gom rác tự quản. Rác được thu gom và tập kết lại tại các bãi rác của xã để đốt hoặc chôn lấp. Hiện nay, dự án xử lý nước thải có công suất 15.000 m3/ngày đêm tại thành phố Ninh Bình đã được phê duyệt bằng nguồn vốn ODA, đang hoàn chỉnh thủ tục đấu thầu để triển khai xây dựng. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần thu gom, khắc phục ô nhiễm từ nguồn nước thải trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Bên cạnh đó, tỉnh ta đã đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ môi trường không khí tại các đô thị, do đó môi trường không khí những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, hiện trạng chất lượng không khí tương đối tốt, đặc biệt là hiện tượng ô nhiễm khói bụi trầm trọng do nung đốt vôi thủ công trong khu dân cư nội thành thành phố Ninh Bình đã được xóa bỏ hoàn toàn.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên. Hiệu quả sử dụng ngân sách cho sự nghiệp môi trường chưa cao. Do nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn hẹp nên mới chỉ tập trung đầu tư phát triển và xây dựng cơ bản, còn kinh phí cho công tác phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường, đánh giá chất lượng môi trường còn thấp, chưa đáp ứng với yêu cầu chuyên môn, nhiệm vụ đặt ra.
Mặc dù các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng việc tự giác chấp hành, áp dụng đầy đủ các biện pháp về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc trách nhiệm trong việc đăng ký nguồn thải chất thải nguy hại, chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, chưa lập đề án bảo vệ môi trường. Số đơn vị tự giám sát chất lượng môi trường còn thấp. Nhiều doanh nghiệp có công nghệ cũ, lạc hậu, chưa đủ kinh phí để đầu tư, đổi mới trang thiết bị đã gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt còn một số doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường, làm bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải tại tỉnh ta cũng còn bộc lộ nhiều bất cập. Rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn ngày càng lớn nhưng việc xử lý chủ yếu bằng chôn lấp, tiêu hủy thủ công dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Cùng với đó là thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại một số làng nghề. Toàn tỉnh có trên 200 làng nghề và có 69 làng nghề được công nhận là làng nghề cấp tỉnh, nhưng phần lớn các làng nghề thủ công đều phát triển tự do, chưa có các giải pháp bảo vệ môi trường đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường cho khu vực, nhất là bụi và tiếng ồn ở các làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, làng nghề mộc Ninh Phong, ô nhiễm nước thải ở làng nghề bún bánh Yên Ninh...
Ninh Bình là một tỉnh đang trong quá trình phát triển, du lịch là ngành quan trọng được tỉnh ưu tiên đầu tư, để đảm bảo sự phát triển bền vững, đòi hỏi tỉnh ta phải quan tâm, tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp, sớm giải quyết những hạn chế và bất cập về vấn đề bảo vệ môi trường.
Hồng Giang