Vào buổi trưa và buổi chiều, dạo quanh các đường phố gần khu dân cư và các trường học từ Tiểu học đến THPT, ký túc xá sinh viên… trên địa bàn thành phố Ninh Bình có khá nhiều các hàng, quán bán đồ ăn sẵn. Tại chợ phường Ninh Sơn, chợ tuy nhỏ nhưng có đến gần chục chỗ bán các loại thực phẩm ăn sẵn như: Gà - vịt - cá - lợn quay, nướng; lòng lợn luộc sẵn; các loại thịt chân giò, tai lợn, nem rán, rau trộn, dưa chua, thịt quay, giả cầy, các loại canh, rau… với khá đông người dân đến mua. Chị Nguyễn Thị Thúy, phố Phú Sơn, phường Nam Bình gần 18h ra mua vài món cho bữa tối, gồm canh cua, thịt kho, rau trộn và vài lạng nem tai lợn, cho biết, vợ chồng chị bán hàng nội thất, công việc kinh doanh bận rộn tối ngày nên không có thời gian đi chợ, nấu nướng. Gia đình chị rất hay mua đồ ăn sẵn để ăn, thấy giá cả cũng rẻ mà lại tiện lợi. Thực tế cũng thấy không yên tâm đâu, nhưng rồi do công việc bận rộn, thôi thì "khuất mắt trông coi" vậy.
Cũng như vậy, tại các cổng trường học, buổi sáng và buổi chiều có rất đông các em học sinh mua đồ ăn sẵn bằng những món bánh mì, xôi… Các loại bánh mì được kẹp pate, trứng, thịt nguội, xúc xích, chả… có giá từ 5-10 nghìn đồng. Nhìn vào cách người chế biến đã thấy không hợp vệ sinh, găng tay không có, người cắt, người nhét các loại thực phẩm vào bánh, cạnh đó là các lọ gia vị có màu vàng, màu đỏ, màu xanh, màu đen…, được gọi là tương cà, tương ớt, tương ngọt, tương chua…, ai có nhu cầu gì được rót vào không kể nhiều hay ít. Khi được hỏi những chai lọ gia vị kia mua ở đâu, người bán không ngại ngần cho biết, mua theo can, theo lít ở chợ Rồng hoặc các cửa hàng bán tạp phẩm và không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất.
Quan sát tại các quầy bán thức ăn đường phố, vỉa hè và tại các cổng trường học nhận thấy, hầu hết các nơi này bán hàng không đủ điều kiện vệ sinh. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy đồ ăn không được che đậy, người chế biến không đeo găng tay, khẩu trang; thức ăn được đựng trong các hộp nhựa, hộp xốp rẻ tiền, thường tái chế không đảm bảo vệ sinh, được khuyến cáo nếu sử dụng đồ nóng, sẽ có hàm lượng độc cao, gây tổn hại đến gan và nhiều bệnh khác. Đấy là chưa kể đến yêu cầu quan trọng nhất là nguyên liệu thực phẩm chế biến không được cơ quan quản lý nào kiểm chứng, đảm bảo về nguồn gốc, xuất xứ. Cùng với đó, các loại thức ăn, thực phẩm bày bán hàng ngày tại vỉa hè, đường phố còn chịu tác động bởi thời tiết và các yếu tố ô nhiễm khác từ môi trường bên ngoài gây nhiễm khuẩn, ôi thiu… Do đó người sử dụng rất dễ bị ngộ độc thực phẩm và gây bệnh trong cơ thể.
Theo Thông tư số 30, ngày 5/12/2012 của Bộ Y tế, kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng (bến xe, bến tầu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc ở những nơi tương tự. Theo đó, điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo: Đủ nước sạch; có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; người trực tiếp làm dịch vụ và nhân viên phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ; không sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao trên 60 cm, được bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ chứa đựng chất thải tại nơi kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố… Với những quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ như trên thì hầu hết các quán ăn, quầy hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình đều không đạt tiêu chuẩn ATTP.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, hiện nay, các quán ăn đường phố, vỉa hè có thể mở tự phát ở bất kỳ khu phố, địa điểm nào mà họ thấy tiện lợi, có thể bán được hàng mà không cần sự cho phép của các cơ quan chức năng. Ngoài nỗi lo nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thức ăn đường phố còn chịu tác động trực tiếp bởi thời tiết cũng như những yếu tố ô nhiễm khác từ môi trường như bụi bẩn, côn trùng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ôi thiu… Cùng với đó việc vận chuyển, bảo quản thức ăn không vệ sinh và do bàn tay của người chế biến gây ô nhiễm thức ăn…, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất lớn.
Trong khi, hầu hết người tiêu dùng lại chưa có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này, họ chỉ thấy tiện lợi cho sinh hoạt mua bán, mà không thấy nguy cơ rất cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc thậm chí có người dù biết nhưng vẫn nhắm mắt cho qua để sử dụng thức ăn nhanh đường phố. Đối với cơ quan quản lý, hiện gặp nhiều khó khăn. Do phân cấp nên đối tượng kinh doanh này do cấp xã, phường, thị trấn quản lý, do đó không được thanh tra, kiểm tra chặt chẽ. Cùng với đó đa phần các quán hàng này được mở bán vào thời điểm sau giờ hành chính, phục vụ cho đối tượng khách hàng ăn tạm, ăn nhanh, lúc này, các cơ quan quản lý đã hết giờ làm việc nên thường không theo dõi, kiểm tra thường xuyên được.
Theo số liệu của Chi cục ATVSTP tỉnh, hàng năm, đặc biệt vào các dịp như ngày Lễ, Tết, Trung thu, Tháng hành động Vì ATTP…, các đoàn kiểm tra tại cơ sở cũng tổ chức hàng trăm đoàn, kiểm tra hàng nghìn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, nhưng hầu hết chỉ xử lý vi phạm bằng nhắc nhở, cảnh cáo, có xử phạt thì cũng rất nhẹ… do đó việc chuyển biến của các cơ sở này không cao. Vì vậy, việc quan trọng nhất là nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm và đạo đức của mỗi người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình và người thân những kiến thức ATTP, nói không với những quán ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời những quán ăn đường phố không tuân thủ và đảm bảo các điều kiện ATTP, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Hạnh Chi