Công bằng mà nói, Trần Xuân Trường (Ân Hòa, Kim Sơn, Ninh Bình) chưa phải là nhà thơ có "danh", vì anh đến với thơ muộn và anh là người trẻ, lại viết rất ít.
Từ khi bước vào làng thơ, làm hội viên hội VHNT Ninh Bình đến giờ, anh cũng chỉ mới ra được 2 tập thơ mỏng: "Trăng nghiêng" và "Ô cửa đựng mùa xuân".
Song có một điều không thể phủ nhận là với số lượng bài ít ỏi ấy, nhiều người yêu thơ vẫn rất mến Trần Xuân Trường. Vì lẽ gì ư? Vì cái tình của nhà thơ! Vì những thi phẩm! Tôi cho rằng có lẽ cả hai.
Tôi từng đọc hai tập thơ nhiều lần, mỗi lần lại có thêm một chút khoái cảm. Trần Xuân Trường cũng từng thử bút qua nhiều thể thơ, nhưng có vẻ anh sở trường ở thể loại lục bát.
Và cũng phải nói ngay rằng ngày nay khi nhiều người làm thơ lục bát có danh đang cố tìm hướng đi hòng canh tân lục bát thì hình như Trần Xuân Trường vẫn chung thủy với thứ lục bát truyền thống.
Nhà thơ họ Trần vẫn bằng lòng với việc sử dụng những kỹ thuật đã có hơn là hòa vào dòng chảy của những người hăng hái tìm hướng canh tân. Nói cách khác, nếu xét ở góc độ thể loại, thơ của tác giả họ Trần không mới.
Vậy điều gì đã khiến thơ anh vẫn quyến mời được bạn đọc? Cá nhân tôi cho rằng thơ Trường có hai điểm khiến anh "đứng được", đó là cảm xúc và ngôn ngữ.
Cảm xúc trong thơ Trường thường rất thành thật trong khi ngôn ngữ được anh khá là trau chuốt. Cả ở tập thơ đầu tay "Trăng nghiêng" lẫn tập mới in gần đây "Ô cửa đựng mùa xuân"có một điểm chung là các thi phẩm thường chỉ có độ dài vừa phải.
Tất nhiên sức mạnh của một thi phẩm không phải nằm ở chỗ số lượng câu chữ nhiều hay ít mà nó được quyết định bởi "độ nén" của cảm xúc và "năng lượng" của nó phát sinh khi tác động đến xúc cảm của người đọc.
Nhưng tôi ngờ rằng ngay cả khi chúng ta đang bàn về những vấn đề mang tính lý luận trong việc thẩm thơ Trần Xuân Trường thì hình như thi sỹ tịnh không có một chút ý niệm gì về điều ấy. Bởi thi sỹ là một người lành lẽ.
Thơ Trần Xuân Trường cũng không phải là lối thơ ưa lý luận, những mệnh đề mang tính triết luận phức tạp không phải là thế mạnh của thơ anh. Trần Xuân Trường chỉ như một người kể chuyện có duyên, chỉ nói những điều quen thuộc, nhỏ bé xung quanh mình nhưng vẫn đủ sức níu giữ cảm xúc của người đọc.
Làm thơ với anh trước hết là một thứ khoái hoạt tự thân, sau nữa mới đến khát vọng được bày tỏ.
Thế giới hình tượng trong thơ anh khởi đi từ người mẹ. Trần Xuân Trường đã viết về mẹ với tất cả chân thành: "Ta thương mẹ lắm lúa ơi/ Bùn thiu tay cấy lưng phơi nắng chiều/ Cả đời dành dụm chắt chiu /Vàng mười đổi lấy rong rêu phận mình" (Lúa ơi).
Anh cũng viết về người cha với rất nhiều cảm xúc: "Rượu thơm cha rót cho đầy/Uống cho quên khúc sông gầy ngày xưa" và "Giật mình tay lưới vừa buông/Cha ngồi gỡ mảnh trăng suông giữa dòng"(Bỗng một ngày dưng).
Một người mẹ quanh năm vất vả với ruộng đồng, người cha làm bạn với nghề chài lưới. Tôi không tin những gì thi sỹ viết đều có thực, nhưng tôi chắc chắn một điều trong ký ức của Trần Xuân Trường khi viết những dòng này vẫn gửi trong đó ít nhiều nỗi ngậm ngùi về thân phận. Những phận người lầm lụi (như hai đấng sinh thành), sống đời như loài "rong rêu", như ly rượu đắng người cha uống tìm quên bên bến sông đời lạnh lẽo.
Thương cha, thương mẹ, càng tủi phận mình khiến Trần Xuân Trường viết về ký ức với một nỗi niềm da diết khó tả. Từ những kỷ niệm ngây thơ thành thật và ngộ nghĩnh của một cậu bé: "Mỗi lần theo mẹ lên chùa/ Nắm xôi thì nhớ lá bùa thì quên" (Khi nắng chiều buông); đến những rung cảm đầu đời của một chàng trai trước nụ cười thiếu nữ: "Nhặt hương ổi chín bên rào/Em tôi tủm tỉm gói vào áo hoa/ Để quên bím tóc đuôi gà/ Thuyền trăng đắm tuổi mười ba dậy thì" (Mùa thu ở lại).
Cuộc đời như một thứ lũy thừa của những nỗi buồn, con người thêm tuổi là cộng thêm vào số phận mình những trải nghiệm đắng đót. Những rung cảm hồn nhiên của tuổi ngọc nhường chỗ cho sự chiêm cảm về nỗi cô đơn "Xa em lạnh một chiều đông/Ta cô đơn giữa cánh đồng gió hoang"(Nỗi nhớ chiều đông). Nụ cười đã thoắt biến thành niềm đau: "Nụ cười hôm ấy em cho/ Giùng giằng cháy cả con đò trên sông" (Nỗi nhớ chiều đông). Niềm đau của những dự cảm đắng đót:"Phấn son chìm dưới má hồng/ Rồi em cũng lại lấy chồng nay mai/ Xuân đi- đến chẳng đợi ai/ Đêm khe khẽ tiếng thở dài trong mưa" (Bồi hồi tháng Giêng) hay "Em buông câu hát mời trầu/ Rồi mang theo mối tình đầu sang sông" (Vắng người hội sau).
Tâm trạng của kẻ cô đơn giữa cánh đồng hoang liêu hay ngậm buồn "thở dài" trong đêm mưa lạnh là gì khác nếu không phải là nỗi cô độc, trĩu nặng trong hồn. Nhưng như đã nói, Trần Xuân Trường vốn dĩ là một người lành lẽ, nên nỗi buồn trong thơ anh thường là nỗi chạnh buồn hơn là sự bi lụy nhưng cũng chính vì lẽ đó mà nó trở nên dai dẳng và đằm sâu. Tất nhiên là nỗi niềm ấy sẽ có nhưng "biến thể" khác nhau.
Thi sỹ đã viết về câu chuyện tình của một người chị: "Chiều lơ lửng bóng trăng xuân/ Nhuộm bông hoa cải trắng ngần bên sông/ Chị tôi hôm ấy trốn chồng/ Đuổi theo câu hát rồi không thấy về". Hình ảnh người chị chẳng qua là một hóa thân khác của người mẹ, người em, người bà mà thôi. Những câu thơ trên hình ảnh thơ không mới nhưng cách nhà thơ viết nên câu chuyện tình thì rất nhiều day dứt, nhất là 2 câu kết của bài thơ này: "Vụm tay vớt đọn sóng hờ/Chị ngồi xõa tóc bên bờ gội trăng". Hình ảnh thiếu nữ xõa tóc "gội trăng" là cách dùng hình ảnh giàu sức nặng biểu cảm. Thơ Trần Xuân Trường không chỉ có đôi câu này mà có rất nhiều câu thơ có sức ám gợi như thế: "Hương mùa phảng phất đâu đây/ Bờ đê dáng mẹ vai gầy gánh mưa" (Lúa ơi), "Giờ ngồi gỡ nhớ ra hong/Chợt em giọt mắt đọng trong mưa buồn" (Mưa buồn), "Mang mùa hạ cũ ra phơi/ Xác ve khô lẫn vào lời hát ru/ Chia em một nửa chiều thu/ Bên mưa có tiếng chim gù vừa rơi" (Khúc giao mùa), "Chiều rơi mỏng tiếng chuông chùa/ Cành sen nở muộn nhỡ mùa heo may" (Mùa thu ở lại).
Những câu thơ do có "độ nhòa" về ngữ nghĩa nên rất khó cắt nghĩa cho tường minh nhưng cách dùng hình ảnh và ngôn ngữ tạo ra nhiều năng lượng xúc cảm.
Lục bát là thể thơ truyền thống rất nhiều người từng thử bút. Nhưng đây là thể thơ dễ làm nhưng làm được thơ hay hoàn toàn không dễ.
Như đã nói Trần Xuân Trường đến với cuộc chơi thơ muộn và anh lại viết ít nên việc tìm chỗ đứng trong lòng người đọc với anh là một thử thách. Đành rằng ở cuộc chơi nào cũng thế người đến muộn bao giờ cũng chịu phần thiệt, huống gì là sân chơi chữ nghĩa vốn dĩ rất khắc nghiệt này. Nhưng điều quan trọng là Trần Xuân Trường đã đi đúng hướng.
Lục bát chính là sở trường của anh. Chỉ cần nhà thơ kiên trì thì sân chơi lục bát cũng không hẹp gì cho anh một chỗ đứng. Vả chăng trong cuộc đua sáng tạo người nhập cuộc muộn chưa hẳn đã là người sẽ rớt lại sau, bởi quan trọng chính là việc ai sẽ là người đến đích!
Mai Phương