Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Trương Thị Mai, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, các đoàn thể chính trị- xã hội của trung ương, đại diện một số ngành của trung ương và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Đỗ Việt Anh, TUV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đinh Ngọc Hà, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện các đoàn thể chính trị- xã hội của tỉnh.
Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Thanh Mẫn, UVT.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ và Quyết định số 218-QĐ/TƯ.
3 năm qua, Ủy ban Trung ương MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã rất quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp và quy định của pháp luật.
Ở cấp trung ương đã tổ chức thực hiện 10 chương trình giám sát, ở địa phương, 63 tỉnh, thành đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện đã tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát. Hoạt động giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TƯ đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế. Công tác phản biện xã hội cũng được triển khai thực chất, sâu rộng và hiệu quả hơn.
Ở cấp tỉnh, MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức được 784 cuộc phản biện xã hội, cấp huyện tổ chức được 4.043 cuộc, cấp xã tổ chức được 25.834 cuộc. 3 năm qua, MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức 90.841 cuộc đối thoại trực tiếp.
Các ý kiến tại các hội nghị đối thoại các cấp đều được người đứng đầu tiếp thu, giải trình, hầu hết các ý kiến được giải quyết ngay tại hội nghị.
Nhìn chung, các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương, của tổ chức, doanh nghiệp.
Qua đó kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Lý Nhân-Anh Tuấn