Dự hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phiên chất vấn được tổ chức trực tuyến và được tường thuật trực tiếp trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Tham gia giải trình và làm rõ thêm những vấn đề liên quan có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an, Công thương và Tổng thanh tra Chính phủ.Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Phương, TUV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc lựa chọn hai thành viên Chính phủ trả lời chất vấn lần này trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến giữa hai kỳ họp, ý kiến thảo luận cảu đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7, kiến nghị của cử tri cả nước và dư luận xã hội trong thời gian qua.
Đồng chí đề nghị các đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành tập trung chất vấn để cùng nhau thảo luận, đánh giá những kết quả của các Bộ, ngành trong việc thực hiện chất vấn, qua đó thời thấy được những mặt tồn tại để có biện pháp tích cực khắc phục, thúc đẩy kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Kết quả chất vấn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tại phiên chất vấn buổi sáng, Bộ tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời các ý kiến của các đại biểu liên quan đến một số vấn đề về: trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tiến độ thực hiện quy hoạch đất đai, kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tình trạng sử dụng đất lãng phí, thực trạng sử dụng đất lúa nông nghiệp và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; tình hình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài…
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc quy định về ký quỹ giao đất hiện chưa có văn bản hướng dẫn? Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho biết nội dung này sẽ có văn bản hướng dẫn sau khi Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua. Đối với vấn đề khai thác trái phép cát trên các sông hiện vẫn diễn biến phức tạp, gây sạt lở, ảnh hưởng đến người dân sống ở hai bên bờ sông.
Việc này Bộ Tài nguyên môi trường đã biết và đã tích cực tham mưu cho Chính phủ để ban hành Chỉ thị tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản trái phép (trong đó có việc khai thác cát). Tuy nhiên, Bộ Trưởng Nguyễn Minh Quang cũng lưu ý để giải quyết hiệu quả tình trạng này vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương là rất quan trọng, trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa Sở tài nguyên môi trường, Công an.
Cũng tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết kết quả xử lý sau thanh tra, kiểm tra về khai thác khoáng sản, đến nay đã có 18/22 tỉnh khắc phục vi phạm triệt để. Trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành theo thẩm quyền các Thông tư quy định kỹ thuật công tác điều tra đánh giá địa chất môi trường khoáng sản độc hại; quy định giao nộp mẫu vật địa chất, khoáng sản vào Bảo tàng khoáng sản; ban hành bổ sung Bộ định mức kinh tế - kỹ thuật các công trình địa chất. Phối hợp với Bộ tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình cơ bản những ý kiến chất vấn của các đại biểu. Nhận trách nhiệm của mình trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoảng sản gắn với bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản chỉ đạo; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản, đất đai, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoảng sản, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, vi phạm…
• Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên môi trường vào sáng ngày 29/9, buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã đăng đàn trả lời. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn.
Giải trình về những vấn đề: điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2014-2015; tình hình thực hiện cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD); kết quả xử lý nợ xấu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tình hình cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế… Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, trong điều kiện lạm phát có thể kiềm chế quanh mức 5%, thị trường tiền tệ ngân hàng đi vào ổn định, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, tạo ra nguồn vốn cho nền kinh tế, lãi suất giảm mạnh trở về mức trước năm 2006 và tiếp tục giảm mạnh.
Hiện nay tín dụng vẫn duy trì mức tăng trên 10% trong 3 năm qua. Hết tháng 9 tăng tín dụng xấp xỉ 7%, cao hơn mức của năm ngoái và có thể đạt mục tiêu từ 12-14%. Các tổ chức tín dụng đã được tiến thành tái cơ cấu từ năm 2012, tất cả các nội dung, lộ trình tiến hành đã được đảm bảo và đi đúng lộ trình đặt ra. Về nợ xấu, tính đến nay, hệ thống ngân hàng đã xử lý nợ xấu trên 249.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 53% con số nợ xấu phát sinh năm 2015, cũng như tiến hành thắt chặt kỷ cương của các tổ chức tín dụng và khách hàng về xử lý nợ xấu…
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc người dân và các tổ chức doanh nghiệp hiện vẫn khó tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong thời gian qua NHNN và các Bộ, ngành đã ban hành rất nhiều văn bản để hướng dẫn, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, với chính quyền địa phương. Qua các hoạt động kết nối, các ngân hàng đã cho vay trên 105 nghìn tỷ đồng. Thời gian tới, chính quyền địa phương cũng như các ngân hàng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận nguồn vốn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng trả lời về vấn đề phát mại tài sản và những vấn đề nhân văn trong xử lý vay nợ; tín dụng cho phát triển thủy sản, tháo gỡ cho người nuôi trồng thủy sản…
Về giải pháp cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ một số giải pháp: Chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại của các TCTD theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đề ra; đề xuất, triển khai các giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình cơ cấu lại các TCTD. THúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD và nhà đầu tư tham gia vào quá trình cơ cấu lại TCTD; những NHTMCP yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật song vẫn bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng…Mai Lan