Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp, đồng thời kết nối truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp.
Dự điểm cầu tại tỉnh Ninh Bình có đồng chí Bùi Thị Mai Hoa, TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, sở Lao động, thương binh và xã hội; Hội CCB, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội người cao tuổi tỉnh.
Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: giải pháp đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.
Phiên chất vấn đã diễn ra thẳng thắn, trách nhiệm trên tinh thần xây dựng, với 16 ý kiến về các vấn đề như: tình trạng trốn trại tập thể ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc gây dư luận xấu thời gian qua; vấn đề quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ; giải pháp giải quyết vướng mắc trong áp dụng các chính sách đối với người có công, người nhiễm chất độc hóa học; giải pháp giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên ra trường; tu bổ, nâng cấp các công trình tri ân liệt sĩ...
Nội dung các vấn đề chất vấn đi sâu vào từng khía cạnh, lĩnh vực của ngành.Với tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với những vấn đề mà các đại biểu quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh xã hội và một số Bộ, ngành liên quan đã trả lời thẳng thắn, cụ thể những ý kiến chất vấn tại phiên họp.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn với Bộ trưởng LĐTB&XH,Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóngđánh giá cao sự nghiêm túc và cầu thị của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm của Bộ trưởng các Bộ liên quan trong trả lời chất vấn.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, phối hợp chặt với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ngành liên quan, Bộ LĐ-TB&XH cần tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng, kịp thời trình Chính phủ để ban hành chính sách phù hợp với tình hình mới; bố trí kinh phí hợp lý giải quyết chế độ chính sách nhà ở dành cho người có công...
Phát huy sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể trong phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lạm dụng, vi phạm, trục lợi; rà soát hợp lý từng đối tượng...
Về công tác đào tạo nghề, cần khẩn trương triển khai rà soát quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo nghề; triển khai giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo nghề; xem xét, nghiên cứu thí điểm đào tạo nghề cho nhóm bộ đội, công an xuất ngũ; tăng cường dự báo, nâng cao khả năng phân luồng cho học sinh...
Phối hợp với Bộ GD&ĐT, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đào tào nghề.Về việc chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện, Bộ cần tiếp tục đổi mới có hiệu quả công tác cai nghiện; kiên quyết từ bỏ cách làm hành chính, hời hợt; nghiên cứu thêm về công tác quản lý, phối hợp quản lý.
Các cơ quan Quốc hội sẽ tăng cường giám sát các nội dung được đề cập.Đối với các vị đại biểu Quốc hội còn có câu hỏi chất vấn tiếp tục gửi về Thư ký Quốc hội để chuyển đến Bộ trưởng và sẽ có trả lời bằng văn bản.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội chất vấn và nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các Phó chủ tịch Quốc hội: Đỗ Bá Tỵ, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp. Dự họp còn có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trả lời chất vấn về các nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề: Quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin, gây hoang mang trong dư luận, thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác; việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đại biểu Mai Khanh- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã nêu 2 vấn đề mà cử tri quan tâm. Đó là trong thời gian qua, việc kiểm soát thông tin trên các mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời các hành vi kích động bạo lực, đưa tin và bình luận không đúng nội dung vụ việc diễn ra.
Cử tri cho rằng tình hình tội phạm nhất là trong độ tuổi thanh, thiếu niên diễn biến phức tạp, nguyên nhân không nhỏ là do mạng internet, các phương tiện truyền thông chứa đựng nhiều nội dung độc hại, bạo lực. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan quản lý chặt chẽ các nội dung xấu, độc hại phát tán trên mạng; kiểm duyệt nội dung chương trình, hạn chế các bộ phim bạo lực.
Trả lời các ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý và doanh nghiệp quản lý chặt chẽ vấn đề này; nghiên cứu, định hướng trong việc xây dựng bộ lọc và có cơ chế cập nhật khi có yêu cầu để các doanh nghiệp thực hiện; kịp thời ngăn chặn truy cập, chia sẻ, tạm ngừng hiển thị nội dung trên mạng interner khi phát hiện thông tin vi phạm.
Nghiên cứu phát triển mô hình mạng xã hội của các cơ quan nhà nước, nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý, phòng ngừa và cảnh báo, công cụ đánh giá truy cập website để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên internet.
Kết luận ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: sau một ngày làm việc khẩn trương nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra, theo đúng quy định của pháp luật.
Các vấn đề được lựa chọn tại phiên chất vấn đều là những vấn đề nổi lên trong cuộc sống được cử tri và các vị đại biểu quốc hội quan tâm, cần sớm có những giải pháp xử lý đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Nội dung chất vấn đã dành được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp rất thẳng thắn thể hiện trách nhiệm của cả người hỏi và người trả lời. Các câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nghiêm túc và cầu thị, thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng trong trả lời chất vấn. Trong đó đã nhìn rõ những kết quả đạt được, nêu được những tồn tại, hạn chế và đề ra được những giải pháp xử lý có nội dung đột phá và tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao nhất.
Sau phiên họp này, Tổng thư ký Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện thông báo kết luận của UBTVQH về phiên chất vấn, để làm căn cứ cho việc giám sát thực hiện.
Cùng với hoạt động chất vấn, căn cứ theo lĩnh vực phụ trách các cơ quan Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề được đề cập, góp phần cùng với chính phủ tháo gỡ kịp thời các vấn đề nảy sinh, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.
Thùy Phương- Anh Tuấn