Tại đầu cầu Ninh Bình có các đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên DKT.Ư Đảng, TVTU, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; Bùi Văn Phương, TUV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Văn Dung, TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình trả lời chất vấn tập trung vào giải pháp khắc phục sự hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân ở Tòa án các địa phương; công tác chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC đối với Tòa án nhân dân các cấp; biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử…
Trả lời câu hỏi về các giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Chánh án TANDTC cho biết, ngành đã tập trung chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các đơn vị chức năng và Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch và phối hợp với các cơ quan, cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, ngoại ngữ, tin học... cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Trong đó đặc biệt chú trọng tới đào tạo kỹ năng điều khiển phiên tòa cho Thẩm phán, nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Phối hợp với cấp ủy Đảng các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội để lựa chọn, điều động, luân chuyển cán bộ có trình độ về công tác tại các Tòa án.
Đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, công chức thường xuyên giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, ý thức chấp hành kỷ luật công vụ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trách nhiệm công tác được giao.
Đối với các giải pháp hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử, trong ba năm gần đây, trên cơ sở nghiên cứu các quy định mới của pháp luật và kết quả tổng kết kinh nghiệm xét xử của Tòa án các cấp, TANDTC đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và ban hành 03 thông tư liên tịch; Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 09 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Ngoài ra, hàng năm, TANDTC đều tiến hành kiểm tra công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án tại các Tòa án địa phương, tập trung vào những đơn vị có nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử. Trong thời gian tới TANDTC sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng của TANDTC và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh tập trung làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và giám đốc việc xét xử đối với Tòa án cấp dưới nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục ngay đối với những sai sót trong quá trình giải quyết các loại vụ án.
Trong trường hợp phát hiện có giấu hiệu vi phạm, sẽ cương quyết xử lý đến nơi đến chốn, biện pháp xử lý vi phạm đối với thẩm phán, cán bộ thực hiện không đúng là kỷ luật, không tái bổ nhiệm, nếu có giấu hiệu hình sự sẽ phối hợp xử lý đến nơi, đến chốn.
Để khắc phục tình trạng án treo về tham nhũng còn nhiều gây bất bình trong nhân dân, Chánh án TANDTC cho biết, hiện nay ngành toàn án đang xây dựng nghị quyết, quy định chặt chẽ những trường hợp cho hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng.
Ví dụ, trường hợp cầm đầu, chủ mưu dù có khắc phục, thành khẩn khai báo cũng không được hưởng án treo; hoặc phạm tội từ nghiêm trọng trở lên, án dưới 3 năm nhưng tội nghiêm trọng vẫn không được hưởng án treo.
Về tình trạng án tồn đọng, kéo dài; đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm phức tạp, chiếm tỷ lệ cao nhất trong khiếu tại tư pháp, trong khi hàng năm chỉ giải quyết được khoảng 60%, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nêu rõ, trong thực tế, có những vụ án tòa án đã giải quyết nhiều lần, nhưng đương sự vẫn bức xúc, khiếu nại. Thậm chí có những vụ án đã "trả lời đi trả lời lại", tòa án đã làm việc các đại biểu Quốc hội… nhưng đương sự vẫn không hài lòng và tiếp tục khiếu nại, mặc dù không có căn cứ.
Để giải quyết tình trạng này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, Hội đồng thẩm phán sẽ tăng cường họp, kể cả ngày nghỉ để giải quyết các vụ án tồn đọng. Về lâu dài vẫn là nâng cao chất lượng xét xử để giảm kháng nghị; xây dựng quy định giải quyết giám đốc thẩm chặt chẽ hơn, bởi hiện nay quy định của pháp luật căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm còn mở quá rộng so với các quốc gia khác.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn tập trung vào giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo"; chương trình hành động cụ thể để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; giải pháp khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc trái chuyên ngành được đào tạo; chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu của đơn vị tuyển dụng…
Quốc Khang- Thế Minh