Tham gia giải trình và làm rõ thêm những vấn đề liên quan có lãnh đạo các Bộ Công an, Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp; đồng thời, kết nối truyền hình trực tuyến với Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Bùi Văn Phương, TUV, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh và một số sở, ngành có liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Thực tế, việc xử án oan sai còn nhiều tồn tại, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích, đời sống nhân dân; ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến giữa 2 kỳ họp, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước và dư luận xã hội trong thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức phiên chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Để phiên chất vấn đạt được hiểu quả cao, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các vị đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt câu hỏi ngắn gọn, đồng chí Chánh án trả lời đi thẳng vào vấn đề, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Chánh án Trương Hòa Bình đã trả lời về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, trong 3 năm (2012 - 2014), các tòa án nhân dân đã thụ lý 205.758 vụ/374.226 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết 204.535 vụ/371.152 bị cáo, trong đó đưa ra xét xử 196.890 vụ/352.781 bị cáo. Đã thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 45.680 vụ/69.607 bị cáo; đã giải quyết 44.817 vụ/67.863 bị cáo, trong đó đưa ra xét xử phúc thẩm 35.350 vụ/55.540 bị cáo. Tỷ lệ các bản án hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán trong các năm nói trên lần lượt là: 0,8% năm 2011, năm 2012 là 0,6% và 2013 là 0,7%, đến năm 2014 còn 0,6% Trong khi đó, tỷ lệ các bản án, quyết định về dân sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là khoảng 2% và đối với án hành chính là khoảng 6%.
Cũng theo Chánh án Trương Hòa Bình, tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án trong thời gian qua luôn ở mức thấp và giảm so với các năm trước. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội.
Thực hiện yêu cầu của Quốc hội, các ngành liên quan đã xem xét một số vụ án có đơn kêu oan gửi các cơ quan Trung ương, thụ lý xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Trong số 35 trường hợp nêu trên, đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp và kết quả giải quyết cho thấy về cơ bản, việc xét xử của tòa án là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, ngoài 21 trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị cũng đã kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 3 trường hợp để làm rõ thêm các căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. Đối với 11 trường hợp còn lại, Tòa án nhân dân Tối cao đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về nguyên nhân dẫn đến oan sai, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, bên cạnh một số thẩm phán, hội thẩm nhân dân còn hạn chế về năng lực, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp, thì việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu được thực hiện theo mô hình xét hỏi, dẫn tới hội đồng xét xử bị phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập. Một số trường hợp việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ, đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, trong khi đó việc tranh tụng chưa thật sự được quan tâm, chưa phát huy hết được vai trò của những người tham gia tố tụng, dẫn đến sai sót trong việc giải quyết vụ án.
Tại phiên chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã giải trình cơ bản những ý kiến chất vấn của các đại biểu. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xét xử, tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, Chánh án Trương Hòa Bình cũng nêu một số giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó phấn đấu hạn chế mức thấp nhất kết án oan người vô tội.
Mai Lan