Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Ủy ban Pháp luật Quốc hội giới thiệu những nét khái quát về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Theo đó, Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 134 điều quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; tổ chức, hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội… Tham gia đóng góp vào dự án luật, đa số ý kiến cho rằng, sau 12 năm thi hành, Luật tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật tổ chức Quốc hội cũng bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với những quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Đối với các quy định về mối quan hệ giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, có ý kiến cho rằng, dự án còn quy định chung chung, chưa rõ ràng, đề nghị bổ sung một chương quy định rõ hơn về vấn đề này tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH và các Ủy ban của Quốc hội. Ngoài ra cần làm rõ khái niệm công trình quan trọng của Quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Về hoạt động giám sát của Quốc hội, có ý kiến đề nghị bổ sung một khoản về cơ chế xử lý sau giám sát và có chế tài cụ thể đối với những trường hợp không thực hiện kết luận giám sát. Liên quan đến quy định về ĐBQH, đoàn ĐBQH, một số đại biểu cho rằng, cần phải tách Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND thành 2 văn phòng độc lập nhằm tăng tính chuyên môn hóa của cơ quan giúp việc ĐBQH. Bên cạnh đó, Luật nên quy định rõ hơn nghĩa vụ của ĐBQH, đoàn ĐBQH theo hướng bổ sung thẩm quyền hoạt động của đoàn ĐBQH tại địa phương; ĐBQH không chuyên trách nên dành tối thiểu 1/3 thời gian cho hoạt động Quốc hội…
Tại Khoản 2, Điều 35, cũng không nên quy định mỗi lần phát biểu của ĐBQH "không quá 7 phút" mà nên quy định nội dung này theo hướng mở và căn cứ vào nội dung thảo luận của từng phiên họp.
Về sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vào hoạt động của Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tạo điều kiện để Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn là không hợp lý và có thể làm hạn chế quyền hạn của Quốc hội. Đề nghị sửa đổi theo hướng quy định các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm để Quốc hội, ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Ngoài ra các ý kiến cũng tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến trách nhiệm tiếp xúc cử tri của ĐBQH, hướng dẫn hoạt động HĐND của Quốc hội; quyền miễn trừ của ĐBQH; nhiệm vụ của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bố cục, logic các chương, điều…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu; khẳng định đây là nguồn thông tin quan trọng, khoa học để Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu làm cơ sở chỉnh sửa, bổ sung dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII xem xét.
Quốc Khang