Luật đa dạng sinh học (ĐDSH) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Tuy nhiên trong quá trình thực thi Luật đã phát sinh nhiều điểm bất cập, vì vậy Quốc hội quyết định tổ chức giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về ĐDSH làm cơ sở nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi bảo đảm tính khả thi của Luật. Báo cáo của Sở TN&MT tại buổi là việc cho biết: Ninh Bình là một trong những tỉnh có giá trị đa dạng sinh học cao của Việt Nam. Hiện toàn tỉnh có trên 29 nghìn ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng chiếm trên 60%, bao gồm 3 khu rừng đặc dụng là: Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long - khu đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ và Khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư. Ngoài ra Ninh Bình còn có khu rừng phòng hộ ven biển Kim Sơn với tổng diện tích gần 1000 ha được UNESCO công nhận nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Để từng bước bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn, ngay từ năm 2005 Ninh Bình đã xây dựng và phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2006 - 2010 và đến năm 2020, lập Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh đến năm 2020.
Tỉnh cũng đã ban hành Quy chế quản lý các khu rừng đặc dụng do tỉnh quản lý để tăng cường công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND ngày 14/4/2009 về việc "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nói chung và chim hoang dã nói riêng "…
Các dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp nuôi trồng thủy sản huyện Kim Sơn được thực hiện khá hiệu quả góp phần quan trọng vào việc bảo tồn đa dạng sinh học. Công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra thực tế, công tác bảo vệ ĐDSH trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập; việc điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học mới chỉ dừng lại ở mức độ thu thập, thống kê; đang có sự chồng chéo trách nhiệm quản lý giữa 2 ngành NN và PTNT với ngành Tài nguyên và Môi trường về quản lý các khu rừng đặc dụng, quản lý đa dạng sinh học; công tác đầu tư cho các khu rừng đặc dụng còn rất ít.
Để nâng cao chất lượng thực thi chính sách pháp luật về ĐDSH trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề nghị nhà nước sớm phân định rõ về trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học, thống nhất giữa 2 ngành NN và PTNT với ngành Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời mong muốn Trung ương ưu tiên đầu tư hỗ trợ kinh phí để thực hiện điều tra đánh giá tổng thể về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; Xây dựng bản đồ phân bố các loài động thực vật, côn trùng quý hiếm và xây dựng cơ sở dữ liệu về diễn biến số lượng và biến động sinh cảnh, thảm thực vật; Hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về đa dạng sinh học cho toàn tỉnh; quan tâm tạo điều kiện có cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh trong phát triển nguồn nhân lực, tài chính thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH tại địa phương.
Tại buổi làm việc các đại biểu cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi nhằm làm rõ một số nội dung như: nguồn nhân lực dành cho công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay như thế nào, cơ chế phối hợp giữa tỉnh và Cục lâm nghiệp trong việc quản lý rừng quốc gia Cúc Phương, việc bố trí sinh kế cho người dân ở các vùng đệm ra sao…
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có buổi khảo sát thực tế tại Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Hà Phương-Đức Lam