Phóng viên (P.V): Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Ninh Bình thời gian qua?
Đ/c Đinh Thị Mỹ Hạnh: Nhận thức việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh… là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, thành phố Ninh Bình cũng xác định rõ, đây là việc làm thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ đến dịp tháng 7, nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm. Thành phố hiện có trên 3.500 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó có hơn 100 Mẹ VNAH đã được phong tặng, truy tặng (hiện 7 Mẹ còn sống), có 1 Anh hùng liệt sỹ, trên 1.500 liệt sỹ, gần 1.800 thương binh, bệnh binh, tren 1.100 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học đã được hưởng chế độ. Số người hiện đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng của thành phố là trên 3.500 người, với số tiền chi trả trên 5 tỷ đồng/tháng.
Theo đó, ngoài tập trung giải quyết tốt chính sách đối với người có công và thân nhân của họ theo đúng quy định của Nhà nước; nỗ lực giải quyết dứt điểm những tồn đọng về thực hiện chính sách người có công, đảm bảo tất cả những người có công trên địa bàn thành phố đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời chính sách ưu đãi của Nhà nước; hàng năm, đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày TBLS 27/7, thành phố và các xã, phường đều tổ chức thắp nến tri ân, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày thương binh, liệt sĩ năm 2016, thành phố Ninh Bình đã thăm hỏi, tặng 12.235 suất quà, trị giá gần 2,4 tỷ đồng cho các đối tượng; trong đó, quà của Trung ương 3.461 suất, trị giá gần 720 triệu đồng; quà của tỉnh 3.614 suất, trị giá trên 760 triệu đồng; quà của thành phố Ninh Bình 3.496 suất, trị giá gần 780 triệu đồng; quà từ ngân sách các xã, phường 1.641 suất, với giá trị quà tặng trên 120 triệu đồng và nhiều suất quà của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm khác.
Cùng với việc quan tâm thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công nhân dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, ngày TBLS, thành phố cũng chỉ đạo quan tâm đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, nhà bia, Đài tượng niệm liệt sỹ tại các địa phương, đơn vị. Hiện 14/14 xã, phường trên địa bàn thành phố có các công trình ghi công liệt sĩ như nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm. Hàng năm, các xã, phường đều quan tâm dành nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, tu sửa để nghĩa trang, Đài tưởng niệm khang trang, sạch đẹp. Đài tưởng niệm các AHLS của thành phố tại Công viên núi Thúy vừa được thành phố đầu tư sửa chữa, cải tạo trị giá gần 1,3 tỷ đồng, đảm bảo là nơi linh thiêng, ghi công các Anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt những ngày lễ, tết, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ, động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, giúp các gia đình yên tâm, ổn định cuộc sống.
P.V: Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, những năm qua, phong trào này được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Ninh Bình như thế nào?
Đ/c Đinh Thị Mỹ Hạnh: Trong những năm qua, phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát động sâu rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố, được các cấp, các ngành từ thành phố đến xã, phường, phố, xóm triển khai và hưởng ứng nhiệt tình, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Hàng năm, các tổ chức chính trị trên địa bàn thành phố và 100% các xã, phường đều xây dựng, vận động ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Quỹ thành phố mỗi năm vận động được hàng trăm triệu đồng, các xã, phường có từ 20-30 triệu đồng/đơn vị . Thành phố cũng tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ủng hộ quỹ nhân đạo, từ thiện hàng tỷ đồng…, góp phần khích lệ, giúp đỡ nhiều hộ chính sách cải tạo nhà ở, vượt qua khó khăn do ốm đau, tai nạn, tạo điều kiện cho gia đình chính sách vươn lên, ổn định cuộc sống. Năm 2016, thành phố Ninh Bình trích ngân sách trên 200 triệu đồng hỗ trợ xây dựng cho 5 gia đình người có công; 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 5 nhà, trong đó 2 nhà từ nguồn XHH, còn lại 3 nhà từ nguồn ngân sách thành phố, với tổng kinh phí trên 220 triệu đồng.
Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn thành phố đều được công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; 100% gia đình người có công có mức sống ngang bằng và khá hơn mức sống của người dân trong khu dân cư. Hầu hết các gia đình người có công đều thực hiện nghiêm nội quy, quy định của phố phường, nghiêm chỉnh thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình hiếu học. Đặc biệt, tất cả 7 Mẹ VNAH còn sống trên địa bàn đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng và thường xuyên quan tâm chăm sóc nâng cao đời sống vật chất, động viên tinh thần để các Mẹ sống khỏe, sống có ích, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
P.V: Kỷ niệm 70 năm ngày TBLS năm nay, thành phố có những hoạt động gì tiếp tục quan tâm, chăm sóc người có công?
Đ/c Đinh Thị Mỹ Hạnh: Phát huy những kết quả đạt được trong công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng, dịp 27/7 năm nay, thành phố Ninh Bình tiếp tục có những hoạt động cụ thể nhằm tri ân tới những đối tượng này. Theo đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 53 để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày TBLS. Chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, lập danh sách đối tượng được nhận quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, của thành phố. Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng về thực hiện chính sách người có công, đảm bảo tất cả những người có công trên địa bàn thành phố đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày TBLS như thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức thăm, tặng quà các đơn vị và một số gia đình chính sách tiêu biểu. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, thành phố Ninh Bình cũng đang tích cực vận động và xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của thành phố nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội chung tay chăm sóc người có công, gia đình nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất… trên địa bàn.
Thành phố cũng đã trích ngân sách trên 900 triệu đồng tặng quà cho trên 3.500 đối tượng người có công trên địa bàn thành phố, mỗi suất quà từ 200-500 nghìn đồng. Tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu; gặp mặt người có công tiêu biểu trên địa bàn thành phố, gặp mặt thương binh, con liệt sĩ khối cơ quan thành phố… Cùng với đó, 100% các xã, phường đều có kế hoạch tổ chức các hoạt động trong dịp kỷ niệm 27/7, như sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp các phần mộ, cổng đường đi các nghĩa trang liệt sĩ; dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan, tổ chức dâng hương tại các công trình tưởng niệm liệt sĩ; thắp nến tri ân vào tối ngày 26/7 tại tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố… Tất cả hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn, đảm bảo cho họ có cuộc sống ngày càng yên ổn, hạnh phúc.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí.
Mỹ Hạnh