Đạo diễn Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình: Dù muộn nhưng chúng ta đã kịp để bảo tồn nghệ thuật hát xẩm. Nghệ nhân dân gian, nghệ sỹ ưu tú Hà Thị Cầu đã về cõi vĩnh hằng, nhưng trong trái tim những người yêu nghệ thuật hát xẩm nói chung và yêu mến nghệ nhân Hà Thị Cầu nói riêng thì hình ảnh về "Người đàn bà hát rong qua 2 thế kỷ" đã trở thành một biểu tượng đẹp về âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
Cả cuộc đời bà sống trong thanh đạm nhưng bà đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật và xứng đáng được các nghệ sỹ tôn vinh là người nghệ sỹ thực thụ. Sức lan tỏa của nghệ thuật hát xẩm từ bà đã truyền đến các thế hệ người Việt không chỉ ở trong tỉnh mà cả nước.
Tuy nhiên, phải mãi đến năm 2011, trước khi nghệ sỹ mất 2 năm thì UBND tỉnh mới có Đề án số 04/ ĐA-UBND ngày 14-11-2011 về việc "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm". Đề án được Nhà hát chèo Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Yên Mô tổ chức thực hiện từ cuối năm 2011.
Mặc dù là muộn nhưng Đề án được xem như động thái tích cực, có tính tiên phong trong việc phục hồi một môn nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc. Đề án này do Nhà hát chèo Ninh Bình phối hợp triển khai với việc mời các nghệ sĩ như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan… từ Hà Nội về truyền dạy một cách bài bản cho các diễn viên nhà hát.
Đồng thời cũng đã có một quãng thời gian ngắn, khi NSƯT, nghệ nhân Hà Thị Cầu còn tại thế, nhà hát cũng đã mời cụ truyền dạy mang tính chất sơ bộ cho các diễn viên và học viên quần chúng trên địa bàn xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Mặc dù chúng ta đã tiến hành được giai đoạn 1 của Đề án "Bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật hát xẩm" và đã cơ bản tiếp thu được những làn điệu lòng bàn của hát xẩm từ nghệ nhân Hà Thị Cầu. Thế nhưng tôi vẫn thấy chúng ta tiến hành việc này hơi muộn.
Giá như việc phục dựng này được những người nhiệt huyết tiến hành sớm hơn thì có lẽ "tài sản" mà nghệ nhân Hà Thị Cầu để lại cho chúng ta không chỉ đơn thuần là "phần xác", đó là các làn điệu xẩm, âm nhạc mà sẽ có cả "phần hồn", đó chính là bí quyết nghệ thuật trong đàn và hát, làm sao cho thật rõ chất xẩm - trữ tình, da diết, đượm buồn nhưng cũng rất dí dỏm, lạc quan.
Để tri ân người nghệ sỹ đồng quê của quê hương, tỉnh Ninh Bình đang trăn trở làm tiếp phần 2 của Đề án "Bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật hát xẩm". Với quyết tâm làm sống dậy nghệ thuật hát xẩm và trở thành một "đặc sản văn hóa" của Ninh Bình, từng bước hoàn thiện các tiêu chí để đệ trình UNESCO công nhận hát xẩm là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Công việc này sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ có sự cố gắng của Nhà hát Chèo Ninh Bình mà cần có sự vào cuộc của các địa phương, sở, ngành như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng… để từng bước đưa xẩm vào trường học, vào đời sống của mỗi người dân, từ đó mới có thể lưu giữ, phát triển và phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho bộ môn xẩm Ninh Bình nói riêng và kho tàng âm nhạc dân tộc nói chung.
Tuy nhiên điều quan trọng hiện nay chúng ta phải làm là đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, hình thành hệ thống tư liệu, bài bản của xẩm. Bên cạnh đó là chuyên chú vào nâng cao kỹ năng, nghệ thuật biểu diễn của các diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng vừa bước chân vào với xẩm.
Cùng với việc truyền dậy thì trong khuôn khổ đề án rất cần có sự đầu tư nghiêm túc cho việc nghiên cứu, thu thập tài liệu về xẩm trong tỉnh và những địa phương liên quan đến những làn điệu xẩm đặc trưng của Ninh Bình để các nghệ sỹ có thêm kiến thức về nghệ thuật hát xẩm khi truyền dạy.
Để làm được điều này chúng ta cần có một chế độ đãi ngộ đối với các nghệ sỹ sao cho phù hợp đảm bảo đời sống tối thiểu để các nghệ sỹ yên tâm cống hiến, yên tâm truyền dậy cho các thế hệ trẻ.
Bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng phòng Công nghiệp, Sở Công thương: "Phát triển và bảo tồn nghề truyền thống trước hết phải tôn vinh các nghệ nhân".
Hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 70 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế ở địa phương. Vấn đề bảo tồn, phát triển bền vững nghề truyền thống, giữ gìn nét đẹp môi trường, văn hóa đặt ra nhiều thách thức cho các làng nghề ở tỉnh ta trong quá trình hội nhập.
Do vậy để giải bài toán bảo tồn và phát triển các làng nghề sao cho vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương cần có sự tập trung nguồn lực và trí tuệ của mọi người mới có thể tìm ra được hướng đi trong tương lai.
Các giải pháp cần tổng thể và phải xác định đâu là yếu tố then chốt để thực hiện cho hiệu quả. Trước hết, chúng ta cần bảo tồn các yếu tố truyền thống, khuyến khích và tôn vinh các giá trị cổ truyền, truy tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người xứng đáng, hỗ trợ để nâng cao cuộc sống và điều kiện làm việc của họ, xây dựng nhà bảo tàng lưu giữ những sản phẩm truyền thống cho các thế hệ sau tránh khỏi nguy cơ bị mai một, tổ chức các cuộc thi tìm ra những thợ giỏi để trao giải động viên khuyến khích họ.
Ngày 8-1-2013 của UBND tỉnh ban hành Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình.
Theo đó tỉnh đã công nhận nghệ nhân cấp tỉnh cho16 cá nhân. Nhìn chung các cá nhân có hồ sơ đề nghị đều là các cá nhân tiêu biểu của các làng nghề, địa phương có hoạt động nghề trên địa bàn.
Hoạt động và thành tích nghề nghiệp của các cá nhân tiêu biểu trên được đồng nghiệp và nhân dân thừa nhận, suy tôn, là tấm gương cho đồng nghiệp và nhân dân noi theo, đã có tác dụng tích cực trong việc duy trì và phát triển nghề ổn định, bền vững tại địa phương.
Việc công nhận danh hiệu nghệ nhân sẽ góp phần động viên các cá nhân, thợ lành nghề trong các làng nghề tích cực tham gia duy trì hoạt động nghề và tạo điều kiện để làng nghề phát triển.
Tuy nhiên hiện nay một số nghệ nhân, nhất là nghệ nhân làng nghề thêu Ninh Hải phần lớn đều là người cao tuổi. Mặc dù không còn trực tiếp thêu nhưng các cụ lại đang lưu giữ rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật của bản thân mình và đã viết những bản viết tay về kỹ thuật nghề thêu ren rua.
Những tư liệu quý giá này của các nghệ nhân rất cần có cơ chế đãi ngộ của Nhà nước để bảo tồn và đền đáp một cách xứng đáng. Có như thế những sản phẩm cũng như bí quyết nghề nghiệp của các làng nghề mới không bị thất truyền.
Bảo Yến (ghi)