Chính sách mở đường Nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế tham gia, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp, phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 10% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo hành lang pháp lý cho sản xuất nông nghiệp phát triển như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 26/10/2016 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 22/NQ-HĐND, ngày 6/7/2017 về quy định chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017- 2020...
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng và là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Sau một thời gian thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, đến nay, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được thực hiện đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch, đã cơ giới hóa được hơn 98% khâu làm đất, khâu gặt đập liên hợp đạt hơn 52% diện tích, giúp giảm thất thoát sau thu hoạch từ 15-20% và khâu sấy đạt gần 4% diện tích...
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng đã thúc đẩy và hình thành các trang trại quy mô lớn, đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 135 trang trại, 339 gia trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ vào sản xuất...
Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ được quan tâm chỉ đạo, phát triển. Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện ưu thế vượt trội so với canh tác truyền thống. Điển hình như: Mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc xây dựng nhà lưới có phun mưa tự động để sản xuất rau xanh, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Khánh Hồng.
Trên diện tích 1 ha, mô hình được sự hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng của Trung tâm ứng dụng công nghệ cao với sự tham gia liên kết của gần 40 hộ gia đình. Theo tính toán, mô hình cho doanh thu khoảng 165 triệu đồng/ha trong khoảng 3 tháng, cao hơn so với phương thức trồng truyền thống hiện nay chỉ thu được khoảng 90 - 100 triệu đồng/ha.
Ngoài các mô hình do nông dân làm chủ thời gian qua, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều địa phương. Hiện tỉnh ta đang có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn, tiên phong trong việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp.
Thời gian qua, Công ty đã tập trung được 300 ha đất trên địa bàn tỉnh, ngoài ra còn tích tụ được 350ha đất trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, An Giang; đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến nông sản, mua máy móc thiết bị; lai tạo được nhiều giống cây trồng, con nuôi chất lượng, có giá trị; thực hiện được khoảng chục mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại để tạo ra các phẩm hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao doanh thu cho đơn vị. Mô hình ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh (Yên Khánh) đang được phát huy hiệu quả khá cao.
Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh cho biết: Xác định phát triển kinh tế từ nông nghiệp là hướng đi rộng mở, nên Công ty đã tập trung đầu tư đưa nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét trong thực tế, như: Năm 2016, Công ty đã mạnh dạn thuê 13 ha đất sau khi dồn điền, đổi thửa của xã Khánh Hội để thực hiện dự án trồng rau sạch xuất khẩu như dưa chuột bao tử, cà chua...
Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, công ty đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng làm hệ thống kênh mương và ao nổi, ao chìm để chủ động hoàn toàn về tiêu thoát nước mà không sử dụng nước mặt từ kênh mương, sông ngòi như cách sản xuất truyền thống của bà con nông dân. Hầu hết các cây trồng đều cho năng suất cao, tỷ lệ rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết thấp, hiệu quả kinh tế mang lại gấp 3 - 4 lần so với phương pháp sản xuất truyền thống.
Được biết, sau 8 năm thành lập, sản lượng xuất khẩu của Việt Xanh đã đạt trung bình trên 1.500 tấn/năm với doanh thu lên đến 1 triệu USD/năm. 100% sản phẩm của Công ty như dứa và rau, củ, quả đóng lon được xuất khẩu sang thị trường Nga, úc, Maroc…
Vẫn cần "cú húych" mạnh
Mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, nhưng theo ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT thì vẫn còn những hạn chế như: ứng dụng công nghệ cao mới dừng lại ở từng khâu, chưa có sự kết nối đồng bộ giữa các khâu; giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất; các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều.
Đặc biệt, một trong những lý do khiến ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tạo được đột phá là trong tái cơ cấu, thành tố tổ chức sản xuất trụ cột là doanh nghiệp, hợp tác xã, còn các tổ chức của nông dân là hạt nhân trong chuỗi liên kết thì doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn thấp. Ngành nông nghiệp chỉ phát triển thành công khi có những doanh nghiệp đi đầu, có hệ thống tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Vì vậy, để việc ứng dụng khoa học công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đồng bộ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, theo ông Phạm Đăng Nam vẫn cần một "cú húych" mạnh. ở đây, một trong những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa "cú húych" đó là lấy doanh nghiệp cùng người nông dân giữ vai trò trung tâm và đi vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của từng vùng.
Song song với đó chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực. Tập trung tuyên truyền theo hướng người thật, việc thật, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Có chính sách tạo điều kiện hỗ trợ để người sản xuất dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, với tiến bộ khoa học công nghệ đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao.
Bài, ảnh: Kiều Ân