Tuy nhiên, đến nay cũng chỉ có một số địa phương làm hương tăm xuất khẩu như Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang… Riêng ở tỉnh ta chưa có đơn vị nào làm mặt hàng này, trong khi đó Ninh Bình lại rất sẵn nguồn nguyên liệu để sản xuất hương tăm. Vì vậy năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cói xuất khẩu Thành Hóa, huyện Yên Khánh triển khai dự án "ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất mặt hàng mới hương tăm xuất khẩu từ nguyên liệu mùn cưa".
Ông Đỗ Anh Dũng, Phó Ggiám đốc Doanh nghiệp Thành Hóa, Chủ nhiệm dự án cho biết: Hương tăm là một sản phẩm truyền thống với công nghệ sản xuất không quá phức tạp. Tuy nhiên để sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thì không đơn giản. Tăm hương phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về độ đồng đều, độ bóng mịn, an toàn cũng như không được sử dụng bất kỳ hóa chất độc hại nào. Để giải quyết vấn đề này, Doanh nghiệp đã nỗ lực thử nghiệm, nghiên cứu giải quyết 2 vấn đề về công nghệ: Thứ nhất là công đoạn bắn hương, muốn sản phẩm có độ bóng, mịn đương nhiên phải liên quan đến vấn đề kỹ thuật cần giải quyết đó là công nghệ nghiền, tỷ lệ pha trộn các nguyên liệu và lượng nước cho vào khi tạo dẻo. Giải quyết tốt các thông số kỹ thuật này thì khi sản xuất ra tăm hương sẽ dáp ứng yêu cầu của khách hàng. Kỹ thuật tạo dẻo còn liên quan đến tỷ lệ sản phẩm hư hỏng trong quá trình bắn hương, vì nếu độ ẩm cao, bột hương sẽ nhão khí bắn khó đảm bảo bóng mịn và que hương không tròn. Nếu không đủ dẻo thì bột hương sẽ bám vào que không đều, có nhiều sản phẩm hư hỏng. Vấn đề thứ 2 cần quan tâm giải quyết là kỹ thuật sấy. Muốn sản phẩm đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu thì khi sấy hoặc phơi phải thực hiện ở điều kiện nhiệt độ phù hợp để sản phẩm không bị khô nhanh, tránh rạn nứt. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết xấu thì phải tiến hành sấy trong lò do đó thiết kế lò sao cho đảm bảo về công suất cũng như nhiệt độ cũng cần được quan tâm giải quyết.
Được sự chuyển giao kỹ thuật từ Công ty TNHH ánh Hồng, một công ty có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất mặt hàng hương tăm xuất khẩu, sau một thời gian sản xuất thử nghiệm, tính toán hiệu chỉnh định mức vật tư, doanh nghiệp Thành Hóa đã cơ bản nắm bắt được công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất. Hiện nay, với 15 máy bắn hương, 1 máy nghiền búa, 1 máy trộn nguyên liệu, 2 máy bảo ổn, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp sản xuất ra trên 7 tấn sản phẩm hương tăm xuất khẩu.
Đến thăm phân xưởng sản xuất hương tăm của doanh nghiệp, chúng tôi được chứng kiến hơn 20 công nhân ở đây đang tất bật với những mẻ hương mới chuẩn bị xuất khẩu. Chị Phan Thị Thêu, xóm 1, Khánh Nhạc cho biết: Làm tăm hương khá đơn giản, học dễ, làm dễ nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, chịu khó. Chúng tôi người làm ít cũng được 2 triệu đồng/tháng, người làm nhanh, đều việc thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.
Ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc doanh nghiệp Thành Hóa cho biết: Trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như thế giới đang có nhiều khó khăn thì việc Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ sản xuất mặt hàng mới hương tăm xuất khẩu cũng là một cách để giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giúp doanh nghiệp hướng tới sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.
Dự kiến sau khi thử nghiệm thành công, doanh nghiệp Thành Hóa sẽ tiến hành sản xuất đại trà với quy mô đạt 100% công suất vào năm 2015, tương đương với 150-200 tấn sản phẩm/năm. Đặc biệt, sau khi đã chủ động được công nghệ thì doanh nghiệp sẽ tìm hiểu để mua nguyên liệu như: tăm hương, mùn cưa, bột cây keo, than củi ở trong tỉnh để phục vụ sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở nông thôn, giúp người nông dân có thu nhập ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trọng Lễ, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Mấy năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã định hướng ưu tiên ứng dụng tiến bộ KH&CN để bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. "ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất mặt hàng mới hương tăm xuất khẩu từ nguyên liệu mùn cưa" là một trong những dự án như vậy. Nghề sản xuất hương tăm cho lợi nhuận không cao nhưng có ưu điểm là công nghệ sản xuất không quá phức tạp, người già, phụ nữ đều có thể làm được, điều đó tạo cơ hội cho lao động nông nhàn có việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu