Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo PCTT &TKCN tỉnh; Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; Trung tâm khí tượng thủy văn Ninh Bình. Hội nghị được nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện công tác PCTT và TKCN năm 2015, đồng thời nghe phương án PCTT & TKCN năm 2016. Năm 2015, Ninh Bình chịu hoàn lưu của bão số 1, có mưa vừa, mưa to và giông, gió giật cấp 4 đến cấp 6. Trên sông Hoàng Long không xuất hiện lũ sớm, lũ muộn và lũ tiểu mãn. Ngày 24/5/2015 trên địa bàn thành phố Tam Điệp xuất hiện giông, sấm- sét làm chết 4 người và bị thương 3 người trên khu vực cánh đồng Cùng (phường Tân Bình). Xuất hiện rét đậm, rét hại (từ ngày 23 đến 28/1/2015) ở Nho Quan, thành phố Tam Điệp nhiệt độ xuống thấp 60c.
Ảnh hưởng của hiện tượng El- Nino đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng trên diện rộng kỷ lục (cuối tháng 5) nhiệt độ lên đến 410c gây hạn hán nhiều địa phương ở Nho Quan, Tam Điệp. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời với diễn biến thiên tai trong năm 2015.
Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã tham luận, đóng góp ý kiến xây dựng phương án thực hiện nhiệm vụ PCTT & TKCN năm 2016. Theo đó, mục tiêu của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh là: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai. Trong đó, lấy công tác phòng là chính, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình PCTT và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Hội nghị cũng thống nhất các trọng điểm phòng chống thiên tai ở tỉnh là: Đối với chống bão, bão mạnh, siêu bão, sóng thần, gió mùa đông bắc thì trọng điểm là khu vực huyện Kim Sơn, vùng nuôi trồng thủy sản, đê Bình Minh II và III. Chống xâm nhập mặn thì trọng điểm là các huyện Kim Sơn, Yên Khánh và Yên Mô. Chống hạn hán, rét đậm, rét hại, giông lốc thì trọng điểm là huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp và Yên Mô.
Đối với chống lũ, trọng điểm là huyện Nho Quan và Gia Viễn - hai địa phương chịu ảnh hưởng của hệ thống đê tả và đê hữu sông Hoàng Long, yêu cầu đảm bảo chống được lũ theo mực nước lũ thiết kế tại bến Đế là (+5,3m), phấn đấu giữ đến +5,5m, hạn chế tối đa việc phân lũ qua tràn Lạc Khoái và xả lũ, chậm lũ ở tràn Đức Long- Gia Tường cũ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp ngành, địa phương và nhân dân thấy rõ tác hại, sự tàn phá khốc liệt của thiên tai từ đó nâng cao nhận thức trong việc phòng, chống, tạo thế chủ động khi có thiên tai xảy ra; Nêu cao phương châm "4 tại chỗ" để "tự mình bảo vệ, tự mình cứu mình" trước khi có sự hỗ trợ. Các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rà soát các công trình thủy lợi, các điểm xung yếu về phòng chống thiên tai
Đồng chí Trưởng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cũng thẳng thắn phê bình một số địa phương còn xem nhẹ công tác PCTT & TKCN, vẫn còn tình trạng lơ là trong quản lý, vận hành các công trình thủy lợi và phòng chống lụt bão; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa được thường xuyên; một số đơn vị, ngành chưa tạo được tính chủ động trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai...
Nguyễn Minh