Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.W Đảng, TVTU, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh; Đinh Văn Điến, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hữu Bình, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh; Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường); lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật đất đai năm 2003, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự xã hội, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường... Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai đã có nhiều chuyển biến; lợi ích của người sử dụng đất và các nhà đầu tư được Nhà nước bảo đảm.
Tuy nhiên qua thực tiễn áp dụng, các quy định của Luật Đất đai 2003 còn bộc lộ những bất cập, vướng mắc; nhiều việc phát sinh còn thiếu quy định hướng dẫn áp dụng; nhất là trong xây dựng, thực hiện quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính về đất đai. Công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất còn nhiều khó khăn. Lợi ích của cả Nhà nước và nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp và còn nhiều tiêu cực trong lĩnh vực này. Tình hình khiếu nại, tố cáo và tranh chấp có nguyên nhân từ đất đai còn nhiều, diễn biến phức tạp. Quyền lợi của người sử dụng đất chưa được thực hiện triệt để, rõ ràng... Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 là cần thiết và tất yếu.
Để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai nhằm giải quyết những vướng mắc bất cập, bức xúc trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; phát huy tốt nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Quản lý và sử dụng đất đai không những là vấn đề kinh tế rộng lớn, phức tạp mà còn là vấn đề chính trị, xã hội rất hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến việc ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Vì vậy, sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt kế hoạch triển khai lấy ý kiến về Dự thảo Luật đất đai; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện để việc lấy ý kiến nhân dân trở thành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, phát huy được tâm huyết, trí tuệ của nhân dân cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật.
Đồng chí Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã báo cáo các nội dung cơ bản của Luật đất đai sửa đổi. Đồng chí nêu rõ, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật đất đai năm 2003 và những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội, ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 13 và 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Chính phủ, xin ý kiến Quốc hội và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có những nội dung đổi mới cơ bản sau:
Quy định rõ ràng, cụ thể hơn về các quyền, trách nhiệm của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai; thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; có quy định riêng về chế độ sử dụng đất trồng lúa.
Tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, trong đó hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, cơ bản chuyển sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện định giá đất trên cơ sở phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, đồng thời khắc phục tình trạng "xin - cho" trong quản lý và sử dụng đất.
Hoàn thiện các cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ đất đai thông qua việc bổ sung quy định Nhà nước được chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; lập Quỹ phát triển đất; tạo quỹ đất "sạch" để đấu giá quyền sử dụng đất.
Tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...
Thiết lập sự bình đẳng hơn trong việc tiếp cận đất đai, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Quan tâm hơn đến việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau khi nghe báo cáo về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, lãnh đạo UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch và giao nhiệm vụ đến các ngành, các cấp. Ngay say hội nghị này, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề của Thường trực HĐND và UBND tỉnh vào nửa đầu tháng 3/2013. Đồng thời triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ở cấp huyện và cấp xã xong trước ngày 20/3/2013. Tất cả các ý kiến của các tầng lớp nhân dân sẽ được tổng hợp, báo cáo gửi về Bộ Tài nguyên & Môi trường trước ngày 15/4/2013.
Nguyễn Thơm