Vừa qua, cử tri thành phố Ninh Bình có ý kiến đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cho người lao động, nhất là các đối tượng thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, bộ đội xuất ngũ.
UBND tỉnh đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri như sau:
- Về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm: Thực hiện "Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24-12-2010, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND phê duyệt Đề án số 10/ĐA-UBND của UBND tỉnh về "Đào tạo nghề tỉnh Ninh Bình đến năm 2020". Đến nay, các đề án trên đã và đang được triển khai tổ chức thực hiện rộng khắp và có hiệu quả ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, ngoài kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh từ 15-30 tỷ đồng phục vụ cho việc phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã dành từ 6-10 tỷ đồng để hỗ trợ cho học sinh học nghề dài hạn (đặt hàng đào tạo tại các trường nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 850-1000 chỉ tiêu) và hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề (tại các địa phương trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 8000-10.000 lượt người), nguồn kinh phí được tập trung cho các địa phương bị thu hồi đất, các xã nghèo của tỉnh. Do đó đến nay cơ bản đã dạy nghề và tạo việc làm cho những lao động bị thu hồi đất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nơi đô thị hóa trên địa bàn tỉnh.
Đối với bộ đội xuất ngũ có nguyện vọng học nghề, được Nhà nước thực hiện chính sách học nghề riêng theo Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp chưa được hưởng chính sách học nghề riêng cho bộ đội xuất ngũ của Chính phủ thì người lao động sẽ được hưởng quyền lợi học nghề theo chính sách quy định tại đề án của tỉnh.
- Về chính sách vay vốn giải quyết việc làm: Hiện nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm ở tỉnh là hơn 59 tỷ đồng, với lãi xuất ưu đãi 0,65%/tháng (trong đó nguồn vốn ủy quyền cho các huyện, thành phố, thị xã quản lý là 43 tỷ đồng, nguồn vốn do tỉnh quản lý là hơn 6 tỷ đồng, nguồn vốn do các Hội, đoàn thể quản lý là hơn 9 tỷ đồng). Đến nay đã giải ngân được hơn 57 tỷ đồng, số vốn đã giải ngân khi hết thời hạn vay được thu hồi về luân chuyển cho các đối tượng khác có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Theo quy định, đối với lao động bị thu hồi đất, bộ đội xuất ngũ được vay vốn để giải quyết việc làm từ nguồn trên. Trước mắt, UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố, thị xã, các Hội, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên nguồn vốn cho các hộ ở khu vực có đất bị thu hồi được vay nguồn vốn này để giải quyết việc làm.
Việt Hải