Cùng dự hội nghị có lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, đại diện các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban Đảng và các đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí thành viên Tổ giúp việc của UBND tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã; đại biểu đại diện cử tri huyện Hoa Lư và Yên Khánh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Luật đất đai là đạo luật hết sức quan trọng. Tính đến thời điểm này, Luật đất đai năm 2003 đã có hiệu lực thi hành gần 10 năm, đã có tác động vào quá trình chuyển dịch đất đai, đến phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân cũng như ổn định xã hội, đáp nhu cầu CNH- HĐH đất nước…
Tuy nhiên thực tiễn thi hành Luật đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại như công tác quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế, quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn...
Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Luật, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, vấn đề cấp thiết nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện vượt cấp.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận, tham gia góp ý để điều chỉnh, bổ sung vào Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Trong đó, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật đất đai 2003, nhất trí về bố cục dự thảo luật và những điểm mới quy định trong Luật sửa đổi.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị tập trung vào những nội dung như về thời điểm ban hành Luật đất đai sửa đổi; quyền của nhà nước và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai; quy định cụ thể, rõ ràng hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố...
Về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị giao thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho Chủ tịch UBND tỉnh mà không phải mất thời gian chờ quyết định của Thủ tướng Chính Phủ.
Về vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đại biểu đề nghị đề nghị giao quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc cho thuê đất đối với các trường hợp quy định tại điểm e, g, khoản 1, điều 57.
Về quy định sử dụng đất nông nghiệp lâu dài, nên nghiên cứu quy định thời gian cụ thể.
Về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, nhiều đại biểu cho rằng việc quy định rõ ràng, cụ thể sẽ tránh được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Các đại biểu nhất trí với dự thảo Luật đất đai sửa đổi khi tăng thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, sẽ tránh được tình trạng quyết định chồng chéo giữa các cấp quyết định. Đề nghị quy định rõ hơn hình thức bồi thường khi thu hồi đất ở điều 72, việc áp dụng hỗ trợ khác do UBND tỉnh quyết định dựa trên tình hình cụ thể của địa phương ở điều 81.
Việc bồi thường thiệt hại về tài sản, sản xuất, kinh doanh khi nhà nước thu hồi đất, đề nghị cần được quy định rõ, cụ thể hạn mức về bồi thường bằng đất và tiền. Về quy định tài chính về đất đai và giá đất, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hạn mức giá đất đối với đất ở đô thị quy định tại điều 139.
Đối với quy định khung giá các loại đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh, đại biểu băn khoăn đối với quy định khung giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chờ Chính phủ quyết định thì khó đảm bảo giá đất sát với giá thị trường...
Đồng chí Đinh Ngọc Hà, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh phát biểu, ghi nhận và biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu những vấn đề trong Dự thảo Luật đất đai và gắn giữa thực tế với lý luận.
Sau hội nghị, đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện đúng kế hoạch của Chính phủ, tỉnh về tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật đất đai; thời hạn kết thúc thảo luận và gửi báo cáo về tỉnh trước ngày 15-3...
Thanh Chiên-Đức Lam