Hội nghị đã nghe Viện kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng báo cáo kết quả điều tra lượng thải chất thải rắn (CTR) tại một số địa phương điển hình thì lượng thải đơn vị phát sinh tại khu vực đô thị khoảng 0.7- 0,8 kg/người.ngđ; tại khu vực nông thôn khoảng 0,4-0,5 kg/người.ngđ. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh hiện chưa có chương trình phân loại cũng như tái chế, sử dụng CTR có tổ chức. Công tác thu gom và vận chuyển CTR tại khu vực nông thôn còn chưa đồng bộ và nhiều bất cập.
Cũng theo đánh giá của Viện kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn, việc xử lý CTR ở Ninh Bình còn một số tồn tại như: Ý thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng còn yếu, CTR chưa được thu gom triệt để, chủ yếu mới chỉ thu gom CTR công nghiệp; rác thải thu gom không được phân loại tại nguồn và được vận chuyển lẫn với nhau; chưa có quy định gắn trách nhiệm của người phát thải với công tác quản lý CTR; khu xử lý CTR tập trung có quy mô còn nhỏ, nếu tiếp tục gia tăng phạm vi phục vụ sẽ khó khăn.
Theo dự báo ước tính đến năm 2020, tổng khối lượng CTR sinh hoạt trong toàn tỉnh khoảng 981 tấn/ngày; CTR xây dựng khoảng 246 tấn/ngày; khối lượng bùn tải phát sinh khoảng 306 tấn/ngày; CTR công nghiệp khoảng 475 tấn/ngày; CTR y tế 9,2 tấn/ngày. Đến năm 2030, tổng khối lượng CTR sinh hoạt trong toàn tỉnh ước tính khoảng 1.425 tấn/ngày; CTR xây dựng khoảng 357 tấn/ngày; bùn thải phát sinh khoảng: 367 tấn/ngày; CTR công nghiệp khoảng 842 tấn/ngày; CTR y tế khoảng 10,4 tấn/ngày.
Theo đó, Viện kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn đã đề xuất các phương thức thu gom, vận chuyển, địa điểm và công nghệ xử lý CRT trên địa bàn, đảm bảo để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 90% lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó có 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; 80% các đô thị có chương trình tái chế CTR thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viên được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường... Đến năm 2030, 100% các đô thị có chương trình tái chất CTR thực hiện phân loại tại hộ gia đình; 100% tổng lượng CTR sinh hoạt và công nghiệp được thu gom và xử lý; 90% lượng CTR phát sinh tại điểm khu dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
Các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận về các mục tiêu, phương thức thực hiện cũng như địa điểm và cách thức xử lý CTR tại ngành và địa phương mình quản lý.
Đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị, nhất trí với đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và thực hiện, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Viện kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn và Sở Xây dựng nghiên cứu kỹ các giải pháp để phù hợp với điều kiện của các địa phương trong tỉnh và có lộ trình thực hiện cụ thể, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, không mang lại hiệu quả cao.
Trong việc huy động nguồn vốn, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ công tác xử lý môi trường Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực cho việc đầu tư công nghệ xử lý, tái chế các CTR theo từng chủng loại chuyên biệt. Bên cạnh đó các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường và thu gom, phân loại rác thải tại các khu dân cư.
Về lựa chọn phương thức xử lý CTR, tỉnh sẽ lựa chọn phương thức xử lý tập trung, theo công nghệ hiện đại, đảm bảo tốt nhất cho môi trường. Đồng chí cũng đề nghị đơn vị tư vấn và Sở Xây dựng cần tiếp thu ý kiến của các ngành, địa phương, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện đồ án quy hoạch quản lý CTR tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 và đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Nguyễn Thơm