Theo báo cáo của Sở Giao thông- Vận tải, về hiện trạng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh hiện nay, mạng lưới giao thông được phân bố tương đối hợp lý, với 3 phương thức vận tải là đường bộ, đường thủy và đường sắt. Trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến Quốc lộ qua địa phận, tổng chiều dài đường bộ (gồm Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường giao thông nông thôn và đường chuyên dùng) hiện có khoảng 1977 km; tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn qua tỉnh ta có chiều dài 21,6 km với 4 ga. Ngoài ra tỉnh ta còn có 16 sông, kênh có thể khai thác vận tải thủy, tổng chiều dài là 298,8 km, với 3 hàng chục cảng và trên 200 bến đò phục vụ nhu cầu vận tải thủy.
Tuy nhiên hệ thống giao thông của tỉnh hiện nay cũng nêu lên một số hạn chế: Về đường bộ, mật độ đường thấp, hệ thống đường và cầu, cống chưa được đồng bộ, chưa đảm bảo trọng tải phù hợp với tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông đường bộ. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn có diễn ra tại các điểm nút, tuyến vành đai, tuyến du lịch trọng điểm và tuyến quốc lộ trong các dịp lễ, Tết. Đoạn đường sắt qua địa phận tỉnh chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa có quy hoạch đường gom, các nhà ga có quy mô nhỏ. Các luồng giao thông đường sông chủ yếu dựa vào dòng chảy tự nhiên, năng lực vận tải còn thấp.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Viện Chiến lược và phát triển giao thông- vận tải, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển giao thông địa phương thực hiện, đề ra mục tiêu: Hệ thống giao thông - vận tải phát triển đột phá ngay trong giai đoạn đầu quy hoạch ngang tầm với các tỉnh trong vùng, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, phấn đấu đến năm 2020 vận chuyển được 71 triệu tấn hàng và gần 43 triệu lượt khách; đến năm 2030 vận chuyển được 184 triệu tấn hàng và 108 triệu lượt khách. Vận tải hành khách công cộng đô thị đạt tỷ lệ 10 - 15% nhu cầu đi lại của nhân dân.
Về kết cấu hạ tầng, đến năm 2020 hoàn thành xây dựng cải tạo, nâng cấp và thực hiện công tác bảo trì các tuyến đường bộ, đảm bảo kết nối nhanh chóng, an toàn ra các đầu mối giao thông vùng Duyên hải Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; chỉnh trị cửa Đáy, cải tạo, nâng cấp, đầu tư nạo vét các tuyến đường thủy nội địa, xây dựng một số luồng tuyến vận tải hàng hóa và hành khách; dành quỹ đất phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; lập quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng sân bay taxi Tràng An để phục vụ du lịch, phát triển KT- XH và đảm bảo an ninh-quốc phòng; từng bước đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống giao thông đô thị, xây dựng các trục chính đô thị, các tuyến đường vành đai, đưa các tuyến đường giao thông nông thôn vào nâng cấp, mở rộng, cứng hóa.
Định hướng phát triển giao thông đến năm 2030 thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá bản quy hoạch được chuẩn bị chi tiết, đầy đủ, khoa học và công phu, sát với thực tế phát triển của địa phương. Đồng chí lưu ý cần chú trọng đến việc xây dựng các bến xe tĩnh ở thành phố, thị xã và xây dựng quy hoạch chi tiết các tuyến đường phục vụ cho việc mở rộng thành phố Ninh Bình trong tương lai.
Mạnh Dũng