Ngay khi nhận được đơn đề nghị của ông Việt và các hộ dân, UBND huyện Kim Sơn đã thành lập tổ công tác, tiến hành xác minh, làm việc với các hộ dân. Sau khi xem xét nội dung đơn và báo cáo số 03/BC-TXM, ngày 22/10/2018 của tổ xác minh, các tài liệu, chứng cứ có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, ngày 31/10/2018, UBND huyện Kim Sơn đã có văn bản số 1627 về việc trả lời đề nghị của công dân, trong đó nêu rõ: Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn từ cửa sông Đáy (cống CT3) đến cửa sông Càn (cống CT1) do UBND huyện Kim Sơn quản lý. Thực hiện Nghị định 36/NĐ-CP ngày 1/6/1993 của Chính phủ về phân định địa giới hành chính, một phần diện tích bãi bồi đã được hoạch định vào địa giới hành chính xã Kim Hải và được thể hiện trên bản đồ địa chính xã Kim Hải lập tháng 12/1997.
Vùng bãi bồi thuộc xã Kim Hải (từ cống CT1 đến đê thủy sản) trước năm 1999 nằm trong diện tích bãi bồi do UBND huyện Kim Sơn trực tiếp quản lý và ủy quyền cho phòng chức năng của huyện ký hợp đồng sản xuất với UBND xã Kim Mỹ để khai hoang, cải tạo đất trồng cói. Ngày 27/4/1992, Ban Kinh tế mới huyện Kim Sơn (bên A) và đại diện UBND xã Kim Mỹ (bên B) là ông Vũ Chiến Sự, ông Nguyễn Đình Du đã ký hợp đồng số 20/HĐ-KTM, hợp đồng khoanh vùng trồng cói vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn với diện tích là 75ha, thời hạn hợp đồng là 5 năm kể từ ngày 27/4/1992 đến 27/4/1997.
Căn cứ đơn xin hợp đồng tiếp tục sản xuất cói ngày 1/4/1997 của ông Vũ Chiến Sự, đại diện UBND xã Kim Mỹ, ngày 30/5/1997, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập biên bản số 16/TLHĐ thanh lý hợp đồng số 20/HĐ-KTM, ký ngày 27/4/1992, thu hồi lại đất để UBND huyện Kim Sơn quản lý theo quy định và ký hợp đồng số 16/HĐ-KT đấu thầu diện tích tiếp tục sản xuất cói vùng bãi bồi ngoài đê Bình Minh II với UBND xã Kim Mỹ do ông Vũ Chiến Sự, Chủ tịch UBND xã ký đại diện với diện tích 75ha, thời hạn 3 năm kể từ ngày 30/5/1997 đến 30/9/1999, vị trí từ cống tháng Mười đến đê thủy sản. Như vậy diện tích bãi bồi từ giáp đê thủy sản đến cống tháng Mười do Ban Kinh tế mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký hợp đồng với đại diện UBND xã Kim Mỹ để tổ chức sản xuất. Đến hết ngày 30/9/1999 hợp đồng nêu trên đã hết hiệu lực.
Dự án đầu tư xây dựng công trình lấn biển đê Bình Minh 3 thuộc tỉnh Ninh Bình- Quân khu 3 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 162/QĐ-QP ngày 24/11/1997 phê duyệt dự án đầu tư công trình lấn biển Bình Minh 3 tỉnh Ninh Bình và Quyết định số 193/QĐ-BQP ngày 31/1/2005 phê duyệt dự án đầu tư bổ sung, chuyển đổi mục tiêu lấn biển Bình Minh 3 giai đoạn 2 huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình - Quân khu 3 do Bộ Tư lệnh Quân khu 3 làm chủ đầu tư dự án, trong đó hạng mục đắp đê biển có chiều dài 15.500m từ cửa sông Đáy (cống CT3) đến cửa sông Càn (gần cống CT1). Dự án lập thủ tục thu hồi đất năm 1998. Vị trí đắp đê thuộc bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn quản lý và một phần địa giới hành chính xã Kim Hải (khoảng 1,5km).
Tại Thông báo số 44/TT-UB ngày 13/7/1998 của UBND tỉnh Ninh Bình thông báo kết luận hội nghị giải phóng mặt bằng dự án lấn biển Bình Minh 3 huyện Kim Sơn đã giao "UBND huyện Kim Sơn có trách nhiệm thông báo cho mọi người dân biết về phạm vi thực hiện dự án. Kể từ ngày 10/7/1998, UBND huyện Kim Sơn không ký thêm bất kỳ hợp đồng nào với các đơn vị và cá nhân khai thác, nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, cói… trong vùng thực hiện dự án lấn biển Bình Minh 3".
Hợp đồng số 16/HD-KT đã ký ngày 30/5/1997, thời hạn đến ngày 30/9/1999, tại Điều 3 điều khoản trách nhiệm đã nêu "Khi Nhà nước tổ chức thi công đê Bình Minh 3 và thực thi các dự án của Nhà nước đã ký duyệt trong khu vực sản xuất thì bên B không được gây trở ngại và không yêu cầu đền bù thiệt hại về kinh tế".
Tuy vậy, đến thời điểm thực hiện giải phóng mặt bằng để thi công dự án, do hợp đồng vẫn còn thời hạn, trên cơ sở biểu thống kê xác định diện tích và khối lượng đất đá và các tổ chức, cá nhân trong vùng giải phóng mặt bằng để thi công đê Bình Minh 3, ông Vũ Chiến Sự, đại diện hợp đồng số 16 đã ký xác nhận diện tích cói là 466, 525m2 nên ngày 10/3/1999, UBND huyện Kim Sơn có tờ trình số 15/TT-UB đề nghị Sở Tài chính xem xét trình UBND tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí đền bù với tổng kinh phí là 203.094.180 đồng, trong đó chi phí đền bù thiệt hại tài sản 176.994.180 đồng.
Ngày 6/8/1999, Sở Tài chính có Tờ trình số 44/TT-TCVG và được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt tại Quyết định số 983/QĐ-UB ngày 10/8/1999 về việc phê duyệt kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện dự án lấn biển Bình Minh 3 với tổng kinh phí 203.094.180 đồng, trong đó chi phí đền bù thiệt hại tài sản 176.994.180 đồng.
Tại phương án phê duyệt, ông Vũ Chiến Sự, đại diện hợp đồng số 16/HĐ-KT được đền bù số tiền là 32.656.750 đồng với đơn giá 700.000 đồng/ha cói. Ngày 5/7/2000, ông Vũ Chiến Sự đã ký nhận tiền đền bù là 29.856.750 đồng, giảm so với phương án phê duyệt là 2.800.000 đồng, số tiền giảm là do sau khi kiểm tra tại thực địa có thay đổi về diện tích được đền bù.
Tại văn bản số 68 ngày 28/2/2001 của Ban Quản lý dự án lấn biển Bình Minh 3 việc bàn giao mặt bằng thi công gói thầu số 1 đã nêu "Hiện nay gói thầu số 1 đã cơ bản thi công xong gồm: đào đắp đê bao từ Ko-K8 ( phía cửa Đáy)=3.800m, K13C9-K15C5 phía cửa Càn)= 1.500m…" vị trí K13C9-K15C5 đi qua địa bàn hành chính xã Kim Hải.
Như vậy, tính đến ngày 28/2/2001 thì diện tích để thực hiện dự án đoạn qua địa bàn xã Kim Hải đã thực hiện bồi thường và bàn giao cho chủ đầu tư để thi công và đã cơ bản hoàn thành. Thực hiện Thông báo số 16/TB-UB ngày 21/6/2000 của UBND huyện Kim Sơn, UBND xã Kim Hải, Kim Mỹ thống kê, rà soát toàn bộ diện tích, sau khi thỏa thuận đến ngày 1/2/2005, UBND xã Kim Mỹ bàn giao 118,65ha diện tích bãi bồi ven sông Càn cho UBND xã Kim Hải quản lý, trong đó diện tích trồng cói là 44,5ha.
Tại thời điểm thi công hạng mục đê Bình Minh 3 (từ năm 1998 đến năm 2001), ông Hoàng Văn Việt và các hộ có tên trong đơn không có tên trong danh sách thu hồi đất, không có tên trong danh sách nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.
Thời điểm các hộ thực hiện chuyển nhượng (từ năm 2002 đến năm 2005) diễn ra sau khi lập thủ tục thu hồi đất năm 1998, phần diện tích cói đã được bồi thường hỗ trợ và diện tích này đã được bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư công trình lấn biển Bình Minh 3.
Mặt khác, thời điểm này hợp đồng giữa đại diện UBND xã Kim Mỹ với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hết thời hạn (30/9/1999). Có một số hộ đang sản xuất trong diện tích đã bàn giao cho chủ đầu tư nhưng chưa bị ảnh hưởng trong quá trình thi công vẫn tiếp tục sản xuất (giáp đê Bình Minh 2).
Diện tích 9 ô đầm trong phạm vi 100m phía trong đê Bình Minh 3 hiện tại là do các hộ tự làm trong thời gian thuộc diện tích đất do Ban Quản lý dự án lấn biển Bình Minh 3 quản lý. Tại bản đồ địa chính xã Kim Hải lập năm 2015 thì diện tích trên là đất nuôi trồng thủy sản thuộc địa bàn hành chính xã Kim Hải, do UBND xã Kim Hải quản lý. Việc UBND xã Kim Hải ký hợp đồng giao khoán với các hộ mà không thực hiện theo trình tự đấu giá quyền thuê đất nông nghiệp là không đúng với các quy định hiện hành, gây ra tình trạng công dân khiếu kiện.
Qua các tài liệu trên, UBND huyện Kim Sơn nhận thấy: Việc quản lý diện tích đất được bàn giao để thi công dự án của chủ đầu tư còn buông lỏng dẫn đến một số hộ dân tự ý đắp đầm nuôi trồng thủy sản, khi UBND xã Kim Hải tiếp nhận thì đã tồn tại việc các hộ dân làm đầm.
Việc UBND xã Kim Hải ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân làm đầm đã tồn tại trong thời gian chủ đầu tư dự án quản lý mà không thực hiện theo trình tự cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng với các quy định hiện hành. Diện tích đất các hộ đang có ý kiến đã được thu hồi, bồi thường, hỗ trợ để thực hiện dự án. Sau khi dự án hoàn thành thì diện tích này thuộc UBND xã Kim Hải quản lý.
Mặt khác, toàn bộ diện tích này nằm trong hợp đồng số 16/HD-KT và đã hết hiệu lực vào ngày 30/9/1999. Việc các hộ dân chuyển nhượng trên diện tích đã thu hồi, bồi thường và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án là vi phạm Luật Đất đai và các quy định hiện hành. Vì vậy, nội dung đơn của ông Hoàng Văn Việt và 18 công dân xã Kim Mỹ, Kim Hải đề nghị trả lại diện tích đất do 25 hộ dân khai hoang trồng cói từ năm 1985, hiện có 7 hộ khác đang sử dụng nuôi trồng thủy sản khu vực ghềnh Càn trong đê Bình Minh 2 thuộc địa bàn xã Kim Hải là không có cơ sở để giải quyết.
P.B.Đ