Những năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhiều thế hệ cán bộ y tế đã nỗ lực vươn lên làm chủ các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu để đem lại sức khỏe, tính mạng cho nhiều người bệnh. Khắc ghi lời dạy của Bác, tuổi trẻ ngành Y tế Ninh Bình không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mà còn tích cực có những đóng góp cho sức khỏe cộng đồng thông qua những việc làm ý nghĩa, thiết thực…
Sẵn sàng "Sẻ giọt máu đào - trao niềm hy vọng" cho người bệnh
Sinh con đầu lòng cách đây vài năm, nhưng chị Cao Thị Hương Giang (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) vẫn không quên được việc làm mang đậm chất nhân văn của các y, bác sỹ trẻ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Do bị mất máu sau sinh vì băng huyết, nên bệnh nhân Giang được bác sỹ chỉ định phải truyền máu kịp thời. Khi đó, gia đình, bố mẹ đẻ và anh chị em ruột đều ở Kim Sơn nên chưa thể lên kịp, bên gia đình nhà chồng lại không có ai cùng nhóm máu. Nếu chờ để có máu truyền từ người thân cũng phải đợi tầm 1,5-2 tiếng đồng hồ. Với người đang cấp cứu vì băng huyết như sản phụ Giang là không thể chờ đợi. Trong lúc gia đình đang bối rối vì chưa biết tính ra sao thì một số y, bác sỹ trẻ của Bệnh viện tiến vào khu vực lấy máu. Chỉ sau thời gian ngắn, sản phụ đã được truyền máu kịp thời, thoát khỏi cơn nguy kịch. Khi đó, gia đình mới biết người thân của mình vừa được các thầy thuốc trẻ của Bệnh viện tình nguyện hiến máu để cứu bệnh nhân. Nhắc lại chuyện này, chị Hương Giang vẫn không khỏi xúc động. Chị chia sẻ: Được cứu chữa bằng chính những giọt máu quý của các y, bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh là niềm hạnh phúc đối với bản thân tôi và gia đình bởi đây là việc làm mà không phải người khỏe mạnh nào cũng làm được… Tìm hiểu về việc làm của các thầy thuốc trẻ, chúng tôi được biết thêm nhiều điều về hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc này. Nguyễn Cao Cường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Ngân hàng máu sống" Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết: Từ năm 2012, Ngân hàng máu sống đã được thành lập tại Bệnh viện. Xuất phát từ nhu cầu máu sống để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân luôn khan hiếm, nhất là một số nhóm máu hiếm như AB, Rh nên Bệnh viện đã phát động phong trào hiến máu tình nguyện trong đoàn viên, thanh niên. Nhiều đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia hiến máu khi có các trường hợp bệnh nhân gặp nguy hiểm đến tính mạng vào đúng ca trực của mình. Từ 96 thành viên ban đầu, đến nay số lượng thành viên của "Ngân hàng máu sống" Bệnh viện Sản - Nhi đã lên tới 180 thành viên tại các khoa, phòng với đầy đủ các nhóm máu, luôn trong tư thế sẵn sàng cho máu bất cứ khi nào có trường hợp khẩn cấp xảy ra tại Bệnh viện.
Không chỉ tại Bệnh viện Sản - Nhi, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nơi có lưu lượng bệnh nhân đến khám và điều trị hàng ngày lớn, hoạt động hiến máu tình nguyện cũng được "nhen nhóm" từ nhiều năm nay. Bác sỹ Lương Xuân Nguyên, Trưởng khoa Xét nghiệm chia sẻ: Làm công tác xét nghiệm, một công việc liên quan trực tiếp đến việc chẩn đoán bệnh tật cho người bệnh nên tôi hiểu rõ sự cần thiết của máu trong cấp cứu và điều trị người bệnh. Tuy thường xuyên nhận được những đơn vị máu từ các đợt hiến máu tình nguyện trong tỉnh, nhưng lượng máu dự trữ vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Do đó, Bệnh viện đã phát động trong cán bộ, nhân viên y tế tham gia hiến máu tình nguyện để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Tại khoa cấp cứu, phòng phẫu thuật trong bệnh viện đều có danh sách cán bộ, y, bác sỹ với đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại liên lạc, thông tin nhóm máu để sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần. Với trách nhiệm và tình cảm của người thầy thuốc áo trắng, bác sỹ Lương Xuân Nguyên đã 3 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Ngoài ra, anh còn vận động các y, bác sỹ trong Khoa và Bệnh viện tham gia hiến máu khi ngân hàng máu dự trữ của bệnh viện không còn. Mặc dù luôn bận rộn với các ca trực, với công việc chuyên môn, nhưng việc làm của bác sỹ Lương Xuân Nguyên cùng các y, bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc áo trắng luôn hết lòng vì bệnh nhân, vì sức khỏe cộng đồng…
Nhân lên nhiều việc làm vì sức khỏe cộng đồng
Không chỉ tích cực, tình nguyện trong việc hiến máu cứu bệnh nhân tại nơi làm việc, những thầy thuốc trẻ còn chưa bao giờ vắng mặt trong các đợt hiến máu tình nguyện do Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức. Nhiều lần được chứng kiến sự tham gia của các y, bác sỹ trẻ, tôi đã đem theo thắc mắc hỏi Nguyễn Hà Trung (Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) khi em vừa kết thúc việc hiến máu tại chương trình "Hành trình đỏ" được tổ chức hồi tháng 7 vừa qua. Nguyễn Hà Trung cho biết: Tôi thuộc nhóm máu hiếm AB nên tôi nghĩ mình cần đến đây để góp thêm chút máu hồng vào danh sách những nhóm máu được thu gom trong "Hành trình đỏ". Trong nhiều đợt hiến máu tình nguyện, nhiều đoàn viên, thanh niên ngành Y tế có khi vừa xong ca trực đêm, tranh thủ thời gian được nghỉ sau ca trực… sẵn sàng chia sẻ những giọt máu hồng cho người bệnh. Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Đoàn thanh niên Sở Y tế mà lực lượng chính là các đơn vị y tế tuyến tỉnh nhiều năm tham gia hiến máu tình nguyện đều vượt chỉ tiêu được giao: Năm 2014 thực hiện được 132 đơn vị máu (chỉ tiêu được giao là 100 đơn vị máu); năm 2015 thực hiện được trên 200 đơn vị máu (chỉ tiêu được giao là 150 đơn vị máu)…
Cùng với việc tình nguyện hiến máu cứu người, đoàn viên, thanh niên ngành Y tế còn có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa vì sức khỏe cộng đồng. Trong đó không thể không nhắc đến hoạt động khám, chữa bệnh tình nguyện, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo, gia đình chính sách ở các địa phương vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh. Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, thầy thuốc trẻ ngành Y tế trong các hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, từ khi thành lập năm 2011 đến nay, Câu lạc bộ "Thầy thuốc trẻ" đã chú trọng đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", học tập tấm gương của anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm, nâng cao chất lượng 3 cuộc vận động "Thầy thuốc trẻ học tập, rèn luyện, nâng cao y đức", "Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học", "Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng". Trong đó, Câu lạc bộ tập trung tổ chức các hoạt động nhằm huy động lực lượng thầy thuốc trẻ tham gia phong trào tình nguyện khám, cấp phát thuốc miễn phí và triển khai các chương trình y tế tại cộng đồng, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ ngành Y trong thời kỳ mới. Với chủ đề tập trung từ năm 2013 đến nay là "Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng", nhiều thầy thuốc trẻ đã về các địa phương vùng sâu, vùng xa để triển khai các hoạt động: khám bệnh, tư vấn sức khỏe phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo, đơn thân; tuyên truyền phòng, chống bệnh tay-chân-miệng và phát xà phòng cho học sinh trường mầm non; tổ chức tập huấn các phương pháp sơ, cấp cứu cơ bản cho giáo viên các trường mầm non, tiểu học tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong tỉnh; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên và cộng đồng về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống tệ nạn xã hội, nâng cao chất lượng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình… Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc luôn hết lòng vì người bệnh, vì sức khỏe nhân dân.
Vừa qua, ngành Y tế đã tổ chức lễ phát động thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh" và thực hiện làm điểm tại 2 bệnh viện lớn của tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Đổi mới này được các Bệnh viện chú trọng thực hiện nghiêm từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao y đức, tinh thần, trách nhiệm, thái độ của mỗi cán bộ y tế đối với người bệnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử tại các khoa, phòng, thiết lập đường dây nóng, hòm thư góp ý, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân… Ngay sau khi đi vào triển khai, điều mà nhiều người dân cảm nhận được sự đổi mới… lại xuất phát từ những bóng áo xanh tình nguyện tại 2 Bệnh viện. Đây là các đội thanh niên tình nguyện "Tiếp sức người bệnh" được các bệnh viện thành lập nhằm giúp đỡ bệnh nhân vào làm các thủ tục khi đi khám, chữa bệnh, hướng dẫn tìm khoa, phòng, thăm hỏi người bệnh… Bác Trần Văn Kinh (xã Kim Chính- Kim Sơn) cho biết: Mỗi khi có bệnh, tôi và người nhà đều đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám. Vì ít khi vào viện nên nhiều khi tôi vẫn loay hoay với các thủ tục hoặc khi tìm đến các khoa để xét nghiệm máu, siêu âm… Lần này vào viện, được các cháu của đội "Tiếp sức người bệnh" giúp đỡ nên cũng đỡ mệt mỏi, cảm thấy vui lòng… Hiện nay, hoạt động "Tiếp sức người bệnh" tại các bệnh viện tuy mới triển khai thời gian ngắn nhưng đã phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc giúp đỡ bệnh nhân và người nhà khi đến khám, điều trị. Việc làm của các thầy thuốc trẻ đã thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ ngành Y tế thực hiện hiệu quả, nghiêm túc việc "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh".
Phan Hiếu