Ông nhớ lại những khó khăn thời kỳ đầu tiên: Từ làm xây dựng chuyển sang làm trang trại nên có nhiều bỡ ngỡ. Từ việc cải tạo khu đất, chọn giống nuôi đến kỹ thuật chăm sóc đều phải tự tìm hiểu qua sách, báo... Đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng vào khu đất này, cũng phải chạy vạy vay mượn nên phải làm sao để việc đầu tư đạt giá trị kinh tế cao, để còn có tiền mà trả nợ - ông cười, nói với chúng tôi. Với khu đất 4 ha, ông bắt đầu việc cải tạo, quy hoạch khu chăn nuôi. Hơn 3 ha, ông đào 3 chiếc ao lớn để thả cá. Khu đất còn lại để xây dựng trang trại nuôi lợn. Những con giống ông Hợi lựa chọn đều là những giống vật nuôi cho giá trị kinh tế cao như: cá trắm, lợn rừng. Những mẻ cá, lứa lợn đầu tiên, ông đi chào hàng khắp nơi. Chất lượng được các nhà hàng, lái buôn chấp nhận qua từng lần mua hàng, lâu dần trở thành những mối quen. Những nhà hàng từ khu du lịch Tràng An-Bái Đính vẫn thường xuyên đặt hàng ông.
Bên cạnh việc chăn nuôi, ông cũng tận dụng những thửa đất còn trống để trồng cây ăn quả như: dừa An Giang, ổi, đu đủ... Vậy nên, đến vụ thu hoạch, lái buôn từ các huyện vào trang trại của ông lấy hàng cả ngày lẫn đêm. Người thì mua cá, người bắt lợn, người thì thu mua trái cây. Lúc cao điểm, ông và các con làm không xuể, có lúc phải thuê thêm chục lao động thời vụ. Vất vả là thế nên đất không phụ công người. Sau khi trừ chi phí, hàng năm gia đình thu lợi được khoảng 400 triệu đồng - ông Hợi cho biết.
Hai năm trở lại đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ giống tôm thẻ nước ngọt, ông Hợi tiến hành nuôi thử nghiệm. Sau khi được thuần hóa từ giống nước mặn, tôm thẻ có thể sinh trưởng tốt trong điều kiện ao nước ngọt tại các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá thành tôm thẻ khá cao nên đem lại nguồn lợi lớn. Hai năm nuôi thử nghiệm đạt kết quả tốt, từ đầu năm 2015, ông Hợi quyết định cải tạo 1,5 ha ao, thả 15 vạn con giống tôm thẻ nước ngọt. Ông cho biết: Mỗi năm thu hoạch 2 lứa tôm, lợi nhuận đem lại có thể đạt 200 triệu đồng/lứa.
Bởi vậy, tôi dự định năm sau sẽ chuyển toàn bộ diện tích 3 ha sang nuôi tôm thẻ. Sau 2 lứa thu hoạch, đến cuối năm, khi thời tiết trở lạnh có thể cải tạo nuôi thêm 1 lứa cá để tối đa hóa lợi nhuận thu về. Nhiều hộ trong xã, trong huyện lấy tấm gương làm giàu của ông Hợi để phấn đấu, tìm đến ông học hỏi kinh nghiệm. Là người nhiệt tình, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ dân trong vùng. Từ một vùng đất hoang vu hơn chục năm về trước, đến nay đã có khoảng 20 hộ đấu thầu đất để làm kinh tế, không khí thi đua làm giàu, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn khởi sắc hẳn lên.
Đam mê với giống tôm thẻ nước ngọt, ông còn có ý tưởng về việc thành lập một khu nuôi giống vì hiện nay, lượng giống cung cấp trên thị trường còn rất ít, do quá trình thuần hóa từ tôm nước mặn sang thích nghi với nước ngọt mất nhiều thời gian, công sức và trang thiết bị. Nếu thành lập được khu nhân giống, hàng năm có thể cung cấp hàng tỷ con giống cho bà con có nhu cầu.
Thái Học