Bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trong đó, phương châm chỉ đạo xuyên suốt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đó là việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải được tiến hành một cách thận trọng, chắc chắn, tránh cầu toàn, nhưng cũng không được chủ quan, nóng vội.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai và đã hoàn thành các Đề án như: Đề án hợp nhất Đảng ủy Khối cơ quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh; Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; Đề án Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, đồng thời triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo Quy định số 04 của Ban Bí thư; Đề án thí điểm mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ở huyện Hoa Lư.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã phê duyệt Đề án hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND ở thành phố Tam Điệp. Đến nay, tỉnh đã thực hiện chủ trương thí điểm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và có 4/8 huyện, thành phố thực hiện mô hình này. Ngoài ra, 8/8 huyện, thành phố thực hiện mô hình Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Với tinh thần không nóng vội, chủ quan, không cầu toàn trong sắp xếp tổ chức bộ máy và "vừa làm vừa rút kinh nghiệm", các cơ quan, đơn vị sau khi được sắp xếp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai các biện pháp nhằm đem lại hiệu quả cao trong công việc. Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh là một ví dụ điển hình.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Là đơn vị được sắp xếp có tính chất đặc thù, không có chính quyền đồng cấp nên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cũng gặp không ít những bất cập, nhất là chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đơn cử như việc lãnh đạo công tác đoàn thể gặp nhiều khó khăn vì các tổ chức đoàn thể hoạt động theo điều lệ riêng, được chỉ đạo theo ngành dọc.
Việc thành lập, củng cố tổ chức đảng, nhất là tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước vẫn còn những hạn chế mà nguyên nhân chính là một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của tổ chức đảng nên chưa ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng tại đơn vị. Trong khi đó, một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp lại chưa thực sự phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị, chưa quy tụ được sự đồng thuận của đảng viên.
Từ những khó khăn trên, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đã họp bàn và đề ra nhiều giải pháp khắc phục, việc làm đầu tiên là chỉ đạo hợp nhất Đoàn Khối Cơ quan tỉnh và Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh, qua đó tạo sự thống nhất về mô hình tổ chức Đoàn thanh niên theo mô hình tổ chức Đảng trong Khối.
Theo đó, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh được thành lập, gồm 68 tổ chức cơ sở đoàn với 3.685 đoàn viên, thanh niên. Nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể chính trị- xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác quản lý đảng viên; hướng dẫn nghiệp vụ công tác tạo nguồn để bồi dưỡng, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú phấn đấu trở thành đảng viên...
Do đó, từ khi sáp nhập đến nay, Đảng bộ Khối đã thành lập 3 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 150% kế hoạch); kết nạp 373 đảng viên, đạt 102% kế hoạch (trong đó có 59 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước), nâng tổng số tổ chức cơ sở Đảng trong Khối lên 105 tổ chức với 7.257 đảng viên.
Ngoài ra, trong năm 2019, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cũng lãnh đạo Đoàn Khối thành lập 3 tổ chức Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, đạt 100% kế hoạch.
"Sau khi hợp nhất, tổ chức bộ máy của Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, từ 2 đầu mối lãnh đạo cấp ủy chỉ còn 1 đầu mối, các phòng, ban cũng được sắp xếp lại đảm bảo khoa học, hợp lý. Kể từ khi được sáp nhập đến nay, Đảng bộ Khối đã hoàn thành khối lượng lớn công việc được giao. Đây cũng là minh chứng cho thấy hoạt động hiệu quả ban đầu của việc sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy ở Đảng bộ Khối"- đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh khẳng định.
Cùng với kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan khối Đảng, đoàn thể, khối Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương sắp xếp kiêm nhiệm các chức danh nhằm tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn; thôn, xóm, tổ dân phố. Theo đó, ở cấp xã bố trí từ 11-13 người (trước đây bố trí 20 người), ở cấp thôn bố trí từ 5-6 người (trước đây bố trí 10 người).
Đến nay, sau khi sắp xếp ở cấp xã đã giảm được 978 người (37%), ở thôn, xóm, phố giảm được 4.228 người (34%). Tỉnh cũng đã kịp thời ban hành chính sách đối với các chức danh kiêm nhiệm và hỗ trợ đối với người nghỉ công tác sau khi được bố trí sắp xếp. Việc thực hiện các chức danh kiêm nhiệm đã đảm bảo cho bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Những kết quả sau 2 năm (2018-2019) triển khai thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã cho thấy tinh thần chỉ đạo và tổ chức thực hiện khẩn trương nhưng thận trọng của các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh. Tổ chức bộ máy của một số cơ quan được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, cơ bản tránh được sự chồng chéo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu của phát triển và hội nhập.
Minh Ngọc