Tính đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có tổng số 69 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, chiếm 3,58% tổng số doanh nghiệp với tổng số đảng viên là 1.820 đồng chí, chiếm 9,25% tổng số lao động trong các doanh nghiệp. Trong đó có 57 đảng viên là chủ doanh nghiệp, chiếm 3,13% tổng số đảng viên trong doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến tháng 6-2016, toàn tỉnh đã thành lập mới được 11 tổ chức đảng và kết nạp được 598 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Tính bình quân mỗi năm thành lập được 2 tổ chức đảng, kết nạp được 120 đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng tại các doanh nghiệp đã cơ bản bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Ban Bí thư, có nhiều đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm của từng doanh nghiệp. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia với lãnh đạo doanh nghiệp các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giữ vững sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động và chủ doanh nghiệp. Tại một số tổ chức đảng, nhất là tổ chức đảng có bí thư cấp ủy và đảng viên giữ vị trí lãnh đạo quản lý doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò hạt nhân chính trị, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và được doanh nghiệp tạo điều kiện tốt để hoạt động. Sau mỗi kỳ đại hội, đa số các cấp ủy trong doanh nghiệp đã xây dựng quy chế làm việc theo quy định, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng doanh nghiệp. Hoạt động của các tổ chức đảng có tiến bộ, từng bước đi vào nền nếp, vận dụng linh hoạt thời gian để duy trì chế độ sinh hoạt Đảng, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, quản lý, phân công đảng viên, tích cực bồi dưỡng, tạo nguồn và phát triển đảng viên, công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên hàng năm được thực hiện nghiêm túc. Những năm qua, các đảng bộ, chi bộ trong doanh nghiệp đã quan tâm lãnh đạo xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể vững mạnh. Lãnh đạo đảng viên phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Lãnh đạo đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy của doanh nghiệp, tham gia các hoạt động của đoàn thể, hoạt động xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với việc thành lập các tổ chức Đảng, tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có 191 doanh nghiệp thành lập được tổ chức Công đoàn. Hoạt động của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp đã có sự chuyển biến khá tích cực. Tổ chức công đoàn đã quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thời gian làm việc, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện làm việc của người lao động.
Thông qua hoạt động của công đoàn, nhiều đợt sinh hoạt chính trị, học tập để nâng cao kiến thức, pháp luật, các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ… được triển khai sâu rộng trong công nhân lao động. Hiện toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp thành lập được Hội phụ nữ, 7 doanh nghiệp thành lập được Hội cựu chiến binh, 37 doanh nghiệp thành lập được Đoàn thanh niên… Các đoàn thể được thành lập trong doanh nghiệp đã góp phần quan trọng tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt, thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất trong các doanh nghiệp, tích cực tham gia bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên, đoàn viên.
Với việc các doanh nghiệp thành lập được tổ chức Đảng và đoàn thể chính trị- xã hội đã tạo được sự gắn bó hơn với cấp ủy và chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, sự có mặt của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp cũng là điều kiện thuận lợi để công nhân lao động yên tâm làm việc, xây dựng cho bản thân bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống vững vàng, có ý thức tích cực học tập, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của doanh nghiệp.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, công tác phát triển đảng viên và thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò và đóng góp của doanh nghiệp. Sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp đối với các doanh nghiệp chưa được coi trọng đúng mức. Chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể còn thấp và mờ nhạt, vẫn còn nhiều đảng viên là công nhân đang lao động ổn định tại doanh nghiệp nhưng sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú do nhiều doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Đảng. Việc thành lập, tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể và công tác phát triển đảng viên, hội viên, đoàn viên ở nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Nguyên nhân là do tình hình suy thoái kinh tế trong và ngoài nước đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động, đa số chủ doanh nghiệp chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận. Một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nên quá trình chỉ đạo chưa sát sao, thiếu kiên quyết, công tác tuyên truyền, thuyết phục còn hình thức. Cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp đều kiêm nhiệm, điều kiện làm việc khó khăn, kinh phí hoạt động rất ít…
Trước thực trạng trên, việc đẩy mạnh thành lập mới tổ chức đảng, đoàn thể ở những doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là hết sức cần thiết, nhất là ở những doanh nghiệp có đủ điều kiện nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của đoàn thể chính trị- xã hội trong doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng cần được tiến hành đồng thời với xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể nhằm tạo cơ sở vững chắc để công nhân lao động được rèn luyện, học tập, phấn đấu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Để tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và chủ doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…
Phan Hiếu