Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 2 Liên hiệp HTX, 456 HTX, trong đó có 355 HTX lĩnh vực nông nghiệp; 62 HTX phi nông nghiệp, 39 Quỹ tín dụng nhân dân. Khu vực HTX thu hút trên 336 nghìn các thành viên tham gia. Những con số trên cho thấy kinh tế tập thể, HTX ngày càng mở rộng về tổ chức, đổi mới và phát triển về quy mô, số lượng lẫn chất lượng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn có những hạn chế nhất định, khả năng cạnh tranh chưa cao, tăng trưởng thiếu ổn định, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng được so với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này đó là trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, nghiệp vụ, chuyên môn vẫn còn bất cập, thiếu ổn định. Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ kiểu cũ sang kiểu mới cũng khiến đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX còn lúng túng trong sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Chính vì vậy, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, tập hợp nông dân vào HTX không khó, cái khó là quản lý, điều hành sản xuất và kinh doanh HTX.
Từ việc quản lý thu chi, hóa đơn, chứng từ… cũng phải cần kế toán chuyên nghiệp vì đầu ra HTX bán cho doanh nghiệp, siêu thị, tất cả đều có chứng từ mua bán. Đây là điều mà những nông dân sản xuất truyền thống chưa làm được. Kế đến là người điều hành kinh doanh, phải biết xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để cung cấp đúng và đủ đơn hàng nên rất cần quản lý có chuyên môn, biết sử dụng phần mềm máy tính. Những công việc như thế phải cần người có chuyên môn, có trình độ.
Theo Luật HTX năm 2012 và các văn bản liên quan, điều kiện để trở thành cán bộ quản lý HTX phải là thành viên HTX, có phẩm chất đạo đức, có trình độ, năng lực quản lý HTX, được xã viên tín nhiệm bầu vào Ban quản trị tại đại hội xã viên. Trong đó, trình độ cán bộ quản lý HTX tối thiểu phải đạt từ trung cấp chuyên môn trở lên. Nếu chiểu theo đúng quy định thì trên 40% số cán bộ quản lý HTX hiện chưa đạt về trình độ chuyên môn.
Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ, nhất là cán bộ quản lý HTX dịch vụ nông nghiệp ở nhiều địa phương thường không ổn định. Những cán bộ có năng lực, trình độ sau thời gian công tác tại HTX lại luân chuyển sang vị trí làm việc khác, dẫn đến việc đội ngũ cán bộ và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX bị xáo trộn. Do đó còn rất nhiều hạn chế trong công tác quản lý, điều hành dẫn đến hạn chế về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Đây cũng là thực trạng chung cho nhiều HTX trong tỉnh, luôn trong tình trạng thiếu người có năng lực và thừa người có thâm niên. Những cán bộ cũ có kinh nghiệm nhưng kiến thức để tiếp cận với những điều mới thì còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận với các chính sách mới.
Trong khi đó, lớp trẻ có nhiệt huyết, có kiến thức lại không mặn mà với công việc tại các HTX do chưa có chính sách để hỗ trợ, thu hút lớp trẻ cống hiến cho HTX. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là giải pháp quan trọng để bảo đảm cho các HTX hoạt động hiệu quả.
Nhận thức được điều đó, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo của cán bộ HTX và liên kết với Trường Đào tạo cán bộ của Liên minh HTX Việt Nam để bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của HTX. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên thay đổi nội dung cho phù hợp với từng đối tượng và thời gian.
Cùng với đó, chú trọng cập nhật thông tin, bổ sung nội dung, nhất là những kiến thức về quản trị doanh nghiệp, khoa học công nghệ, kỹ thuật thông tin, chuyển đổi số. Từ đó, đội ngũ cán bộ các HTX mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực đầu tư phát triển hoạt động dịch vụ, xây dựng mô hình HTX mới hoạt động có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực.
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các HTX cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành nhằm đưa kinh tế HTX phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh vận dụng các nguồn kinh phí từ Liên minh HTX Việt Nam và các nguồn kinh phí khác để tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng điều hành, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho đội ngũ cán bộ HTX.
Qua đó, nhằm nâng cao trình độ, kiến thức quản lý của đội ngũ cán bộ HTX, đồng thời tạo điều kiện để họ trao đổi, học tập kinh nghiệm, giao lưu với các HTX điển hình trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có như thế, khu vực kinh tế tập thể, HTX sẽ ngày càng phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Tiến Đạt