Hạ tầng giao thông phù hợp với đô thị Hơn 3 năm trước, đoạn giao cắt giữa đường Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam thuộc địa bàn thành phố Tam Điệp là điểm rất phức tạp về giao thông, thường xuyên ùn tắc. Chính vì thế tháng 9/2013, Bộ Giao thông - Vận tải đã chính thức khởi công tiểu dự án xây dựng cầu vượt. Đây là tiểu dự án thuộc dự án lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến tháng 7/2014, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề về ách tắc giao thông và mất ATGT tại các đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, đồng thời tạo điều kiện phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Người dân thành phố Tam Điệp nói chung, người dân phường Nam Sơn nói riêng đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt sau khi công trình cầu vượt đường sắt đi vào sử dụng. Chị Đào thị Quyên, hộ dân ở phường Nam Sơn, cho biết: Trước đây khi chưa có cầu vượt đường sắt giao thông ở nút giao này là nỗi ám ảnh không chỉ với người tham gia giao thông mà ngay cả với những hộ dân sống ở khu vực này. Nhà lúc nào cũng bụi bẩn, trẻ con không dám ra ngoài chơi… Nhưng bây giờ có cầu vượt, giao thông đã thông suốt, khu vực dưới gầm cầu người dân vẫn sử dụng buôn bán, trẻ con có thể ra ngoài chơi mà không lo mất an toàn.
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình định hướng đến năm 2030, tỉnh Ninh Bình đã huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 10, đường nối Quốc lộ 1A với đường cao tốc, Quốc lộ 1 tránh thành phố Ninh Bình; Quốc lộ 12B, Quốc lộ 38B trong thành phố Ninh Bình, thị trấn Thiên Tôn, cầu vượt đường sắt Ninh Phong, Tam Điệp…
Các công trình trên được đầu tư đã bám sát quy hoạch, xây dựng đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu, hiệu quả kinh tế. Qua đó hình thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, kết nối được với các khu vực hoặc tạo thành hệ thống đường trung tâm và đường vành đai giúp việc lưu thông trong đô thị được thuận lợi, tạo điểm nhấn trong các khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đối nội cũng được quan tâm đầu tư xây dựng như đường Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng kéo dài, đường Vạn Hạnh, đường Phạm Hùng, một số tuyến đường thị trấn Yên Ninh, Phát Diệm… tạo thành trục đường chính để xây dựng các khu đô thị và kết nối các trung tâm hành chính trong đô thị. Hệ thống đường nội thị trong tỉnh cũng được tăng cường thảm mặt đường bê tông nhựa hoặc đầu tư chỉnh trang vỉa hè, cây xanh, đèn chiếu sáng tạo ra bộ mặt mới cho giao thông đô thị của tỉnh Ninh Bình.
Nói về các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Ninh Bình trong những năm gần đây, ông Đinh Quang Xoa, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông cho biết: Việc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông không chỉ tạo nên những bước chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh mà còn kết nối, trung chuyển cho toàn khu vực trọng điểm kinh tế trong khu vực và toàn quốc; làm thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực cũng như trong tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước
Có thể thấy, thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh còn nhiều những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc.
Điển hình như việc phối kết hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương từ khâu quy hoạch, xây dựng đến quản lý, bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ chưa chặt chẽ, còn chồng chéo, dẫn đến tình trạng đường vừa làm xong đã bị đào lên để lắp đặt sửa chữa hệ thống ống nước, dây điện, dây viễn thông…Điều này làm hư hỏng kết cấu nền, mặt đường, mất mỹ quan đô thị, lãng phí kinh phí đầu tư, gây mất an toàn giao thông.
Việc dành quỹ đất để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị đã được quan tâm nhưng tỷ lệ vẫn còn hạn chế. Một số tuyến phố đã được đầu tư nhưng mặt cắt hẹp, quỹ đất dành cho 2 bên đường để tạo cảnh quan, điểm nhấn vẫn chưa được chú trọng, quan tâm.
Một khó khăn không nhỏ đối với Ninh Bình là việc khai thác bảo trì hạ tầng giao thông trong đô thị mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với nhu cầu. Việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đô thị chưa được phân cấp cụ thể vì vậy công tác quản lý, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng một số tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, hệ thống báo hiệu an toàn giao thông như: sơn vạch kẻ đường, biển báo an toàn giao thông… chưa được tu sửa thường xuyên.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị trong tỉnh thì việc đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch đến triển khai thi công xây dựng phải đảm bảo sự đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với không gian cảnh quan đô thị cũng như các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội.
Đặc biệt, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất phải đảm bảo với từng thời kỳ, từng giai đoạn và đảm bảo để thực hiện được quy hoạch của các ngành. Trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch ưu tiên tăng diện tích đất dành cho giao thông khoảng 20%.
Bên cạnh đó, ngành giao thông-vận tải tham mưu cho tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước. Lựa chọn các công trình giao thông quan trọng, thiết yếu để sắp xếp, ưu tiên đầu tư đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và tính kết nối trong khu vực.
Tranh thủ nguồn vốn để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các công trình giao thông trọng điểm trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và tạo thuận lợi cho việc kết nối, giao thương với các vùng kinh tế trong khu vực.
Đặc biệt cần xây dựng các cơ chế đặc thù nhằm mời gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ. Khai thác có hiệu quả ngành vận tải nội địa, chú trọng kết nối các loại hình giao thông như đường sắt, đường thủy nhằm giảm sức ép cho vận tải đường bộ.
Nguyễn Thơm