P.V: Hiện nay, Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo của Công ty bán hàng đa cấp Liên Kết Việt. Xin đồng chí thông tin kết quả điều tra ban đầu? Đại tá Đỗ Duy Tư: Ngày19-2, Bộ Công an đã khởi tố bị can và tạm giam đối với Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Công ty Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt) và Nguyễn Thị Thúy, Phó Tổng giám đốc Công ty cùng 5 người khác trong ban lãnh đạo về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hoạt động lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt xảy ra trong thời gian ngắn, khoảng 1 năm nhưng tính chất rất phức tạp. Những kẻ cầm đầu trong vụ án hoạt động trắng trợn, liều lĩnh, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, Lê Xuân Giang và đồng phạm thường xuyên diện quân phục đeo cấp hàm đại tá. Trên thực tế, Giang đã lôi kéo một số cán bộ quân đội đã nghỉ hưu tham gia vào các hoạt động bán hàng nhằm tạo lòng tin lôi kéo người dân tham gia.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công an, hiện nay số người bị lừa tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp Liên Kết Việt đã lên đến 60.000 người ở 27 tỉnh, thành phố. Người bị lừa ít nhất là 8,5 triệu đồng, không ít người bị lừa lên tới 5-6 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt hiện được xác định là 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên con số thiệt hại này chỉ mang tính sơ bộ, bởi đây là tiền do các bị hại nộp vào Liên Kết Việt qua tài khoản mở tại các ngân hàng. Còn rất nhiều người nộp tiền mặt hiện chưa được thống kê.
Mặc dù vậy, số người bị hại và số tiền công ty này chiếm đoạt đến nay mới chỉ ước tính, chưa phải con số cuối cùng vì cơ quan công an vẫn đang kêu gọi các nạn nhân đến trình báo. Do số bị hại quá lớn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định ủy thác điều tra cho 27 cơ quan CSĐT tại các tỉnh, thành nơi Liên Kết Việt mở chi nhánh và văn phòng đại diện. Việc ủy thác này là để các nạn nhân đỡ phải đi lại tốn kém, họ đã nộp tiền cho Liên Kết Việt tại địa phương nào thì chỉ cần liên hệ với công an các địa phương đó để trình báo, không cần phải lên Hà Nội.
P.V: Ninh Bình cũng là một trong những tỉnh được thông báo là có thành viên tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty Liên Kết Việt. Vậy việc điều tra đã được cơ quan công an tiến hành như thế nào?
Đại tá Đỗ Duy Tư: Theo thông báo của Cơ quan điều tra, Bộ Công an thì Ninh Bình là một trong 27 tỉnh, thành có cơ sở của Liên Kết Việt. Chúng tôi đã làm việc với Sở Công thương và xác nhận Công ty Liên Kết Việt không có hồ sơ thông báo bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Hoạt động của Liên Kết Việt trên địa bàn tỉnh chỉ là đại lý của Văn phòng đại diện đặt tại tỉnh Thanh Hóa.
Do vậy chúng tôi đang tích cực phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa để thực hiện điều tra ủy thác của Bộ Công an. Bước đầu đã xác định tại Ninh Bình có khoảng 300 người tham gia. Tuy nhiên đây chỉ là số người hiện đang sinh sống trên địa bàn, còn số người là người Ninh Bình ở các tỉnh và số người chưa đến trình báo có thể lên đến hơn 1 nghìn người.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương và các ngành liên quan gửi khuyến cáo đến các cơ quan thông tin đại chúng, các thành phố, huyện trong tỉnh để người dân được biết, với những người đã tham gia vào mạng lưới của Liên Kết Việt nên đến trình báo tại Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh để phục vụ cho công tác điều tra. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có nhiều người đến cơ quan công an trình báo về việc bị hại.
P.V: Hiện tại, trở ngại lớn nhất của việc điều tra, xử lý cơ sở hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp có dấu hiệu phạm tội là gì, thưa đồng chí?
Đại tá Đỗ Duy Tư: Chính các cơ quan quản lý chúng ta cũng chưa lường hết và chưa thực hiện hết chức năng quản lý Nhà nước nên có nhiều khe hở cho các công ty đa cấp trá hình lợi dụng hoạt động. Đây cũng là một trong những "nút thắt" trong vấn đề xử lý hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp.
Vì trong quy định của Luật Hình sự, những dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải đáp ứng đủ về "định lượng" mới cấu thành tội phạm và hình thức phải rõ ràng, thủ đoạn phải là gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, hoạt động bán hàng đa cấp là dụ dỗ người chơi tham gia bán hàng kinh doanh đa cấp nên khi cả chùm bị sụp đổ, người ta khó có thể chứng minh bị chiếm đoạt như thế nào.
Bên cạnh đó, người tham gia bán hàng đa cấp thiếu những kiến thức cơ bản về pháp luật, về kinh doanh đa cấp, hám lợi trước mắt nên dễ bị lừa và có thể họ lại đi lừa người khác. Vì những ràng buộc chặt chẽ với công ty đa cấp nên người tham gia che dấu, bưng bít thông tin gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, để thuận lợi cho ngành chức năng trong quá trình điều tra làm rõ những sai phạm của cơ sở kinh doanh đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dân cần tích cực phối hợp, cung cấp thông tin liên quan, giúp cơ quan chức năng có cơ sở, căn cứ đánh giá mức độ vi phạm của đối tượng điều tra. Việc làm này cũng là để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại mà người dân có thể phải chịu do đã lỡ tham gia đường dây bán hàng đa cấp.
P.V: Vậy việc cần làm trong thời gian tới là gì?
Đại tá Đỗ Duy Tư: Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều công ty có hoạt động bán hàng đa cấp. Một số công ty cũng có hình thức hoạt động tương tự như Liên Kết Việt. Do đó, về phía cơ quan quản lý cần siết lại kinh doanh bán hàng đa cấp...
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức được bản chất của hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp. Đối với các công ty nếu có biểu hiện hoạt động trái pháp luật cần được xử lý nghiêm, kịp thời.
Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo công an các huyện, thành phố làm tốt công tác điều tra cơ bản, thông qua tổ dân phố, cảnh sát khu vực tuyên truyền cho người dân hiểu khi tham gia vào việc bán hàng đa cấp phải tìm hiểu kỹ về hình thức kinh doanh, tránh bị dụ dỗ, lừa đảo dẫn đến thiệt hại về kinh tế.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thơm (thực hiện)