Vào những ngày này, trên khắp các ngả đường rợp bóng cờ hoa, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Tự hào về mùa thu cách mạng
Năm nay, ngày Quốc khánh nhiều ý nghĩa hơn khi Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đang dấy lên các phong trào thi đua hướng về các sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
75 năm đã trôi qua, những người con đất Việt vẫn không khỏi bồi hồi nhắc nhớ cho nhau về nguồn cội, về giá trị của hòa bình, về lịch sử hào hùng của dân tộc. Họ, có thể là những người suốt 75 năm qua lưu giữ nguyên vẹn những kỷ niệm về ngày Tết Độc lập đầu tiên, họ cũng có thể là những người trẻ sinh ra trong hòa bình chưa từng biết đến chiến tranh nhưng tất cả đều chung một niềm tự hào, xúc động mỗi khi mùa Thu cách mạng về.
Nhớ mãi Lời thề Độc lập
Cụ Phạm Văn Oanh, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xóm 4, thôn Đồng Phú, xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về ký ức những ngày Tháng Tám năm 1945. Sinh năm 1920, năm nay đã 100 tuổi đời, 73 năm tuổi Đảng nhưng cụ Phạm Văn Oanh vẫn khá minh mẫn.
Nhắc lại không khí Ninh Bình những ngày mùa thu lịch sử năm 1945, cụ không giấu nổi niềm xúc động đan xen tự hào. Ngày ấy, chàng thanh niên giàu lòng yêu nước đã cùng đoàn người tham gia cướp chính quyền ở Yên Khánh trong không khí cách mạng cả nước sục sôi.
"Những người dân lam lũ, đói nghèo như chúng tôi, với vũ khí thô sơ, chủ yếu là gậy gộc, giáo mác đã cùng lúc vùng dậy theo tiếng gọi của Việt Minh lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, nhấn chìm bè lũ cướp nước, bán nước. Khi đó tôi chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng, chưa thực sự được giác ngộ lý tưởng cách mạng nhưng chỉ biết rằng từ đây, chúng tôi từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ vận mệnh của mình.
Tại Đồng Phú, đồng chí Nguyễn Thanh đại diện cho cán bộ Việt Minh Yên Khánh đã trịnh trọng tuyên bố giải tán chính quyền cũ, bắt kỳ hào, tổng lý nộp sổ sách, đồng triệu và bầu ủy ban nhân dân lâm thời do đồng chí Bùi Văn Oánh làm Chủ tịch, đồng chí Bùi Văn Nhiếp làm ủy viên thư ký cùng 7 ủy viên khác".
Những ký ức lịch sử cứ thế ùa về trong câu chuyện của người cán bộ tiền khởi nghĩa đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng đặc biệt là những ký ức ấy rất đậm nét, rõ ràng như một thước phim quay chậm, từ ngày giành chính quyền đến ngày Tết Độc lập đầu tiên.
Ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập thì khắp nơi trong thôn, trong xã vẫn còn rộn ràng không khí thắng lợi của ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cụ Phạm Văn Oanh nhớ lại: "Khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử tôi đã khóc, đó là nước mắt của niềm vui, niềm hạnh phúc khi thực sự trở thành công dân của một nước độc lập, tự do.
Bản Tuyên ngôn Độc lập kết thúc bằng lời thề "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Và tôi tự nhủ với lòng mình, dù không được trực tiếp hô vang lời thề độc lập nhưng sẽ quyết tâm mang theo lời thề ấy trong tim để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc".
Từ thời khắc lịch sử 2/9/1945, chàng trai trẻ Phạm Văn Oanh ngày ấy không chỉ mang trong mình nhiệt tình cách mạng mà bước đầu đã có ý thức giác ngộ giai cấp, thiết tha tìm hiểu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu nên đã được cán bộ Việt Minh huyện, khu ủy tuyên truyền, giúp đỡ, giao công tác thử thách.
Ngày 23/11/1947, trước yêu cầu của cách mạng, chi bộ Đồng Phú đã được thành lập với 3 đảng viên đầu tiên là các đồng chí Bùi Văn Kìn, Phạm Văn Oanh và Bùi Văn Nhiếp; chỉ định đồng chí Phạm Văn Oanh là bí thư chi bộ. "Tôi mang trong mình tinh thần, ý chí của lời thề độc lập ngày 2/9/1945 trong suốt chặng đường phấn đấu của mình, dù ở bất cứ vị trí công tác nào, từ Chủ tịch ủy ban kháng chiến huyện Kim Sơn, Yên Khánh hay sau này là Phó Trưởng ty Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình.
Nó là động lực cho tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó vì đã là lời thề thì phải sống chết với nó, phải quyết tâm thực hiện và giữ vững lời thề. Tôi tin tất cả những con người ở thế hệ chúng tôi, những người may mắn được nghe lời thề độc lập ngày 2/9/1945 thì đều có chung tư tưởng ấy, tinh thần ấy.
Cụ Phạm Văn Oanh (người ngồi giữa) trò chuyện cùng lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Mô và cán bộ xã Khánh Thượng.
Viết tiếp trang sử hào hùng
Nếu như mùa thu xưa vang vọng lời thề độc lập thì mùa thu năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang chung sức, đồng lòng chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII với nhiều kỳ vọng mới, niềm tin mới.
Nhiều phong trào thi đua đã được phát động sâu rộng ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị để kết thành những bông hoa tươi thắm dâng lên Đại hội. Trên những công trình trọng điểm được gắn tên công trình chào mừng Đại hội Đảng, không khí thi đua lao động như khẩn trương, gấp rút hơn trong ngày Tết Độc lập.
Dường như mỗi người đều đang nỗ lực hết mình để góp phần làm niềm vui trong ngày Quốc khánh trọn vẹn hơn, viết tiếp những mùa thu lịch sử hào hùng của dân tộc. Toàn tỉnh có 6 công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Có 3 công trình hoàn thành gắn biển chào mừng: Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy; Trụ sở Ban tiếp công dân kết hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình; Nhà máy sản xuất camera môđun và linh kiện điện tử giai đoạn II của Công ty TNHH MCNEX VINA tại Khu công nghiệp Phúc Sơn.
Các công trình khởi công mới gắn biển chào mừng: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường kết nối Quốc lộ 12B với Quốc lộ 10 đoạn qua Yên Mô-Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, tuyến ĐT480E cũ; Công trình xây dựng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình; Dự án Nhà máy Interconnect Power & Signal chuyên sản xuất dây cáp điện của Công ty Memory Road Limited tại Khu công nghiệp Phúc Sơn.
Có mặt tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô hoành tráng của công trình được thi công trong vòng hơn 1 năm với phương châm của tỉnh là: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai.
Trường được xây dựng trên diện tích 42.000 m2, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng với các khối nhà lớp học, nhà ký túc xá, thư viện, khu tiện ích...
Đây là cơ sở giáo dục chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; là nơi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng khiếu cho các em học sinh. Trường sẽ là hình mẫu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, học sinh và chất lượng giáo dục của tỉnh Ninh Bình.
Những ngày cận kề Quốc khánh, không khí tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy như sôi nổi, náo nức và rộn ràng hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Năm nay thầy và trò Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy được chuyển đến học tập dưới một ngôi trường mới hiện đại nên ai cũng có tâm trạng náo nức, phấn khởi, quyết tâm cao để giành nhiều thành tích trong năm học 2020-2021.
Được chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nên thầy và trò nhà trường đang gấp rút chuyển trường và hoàn tất những khâu cuối cùng chuẩn bị cho Lễ khai giảng và khánh thành trường mới; phát động các phong trào thi đua trong toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII diễn ra vào tháng 10 tới".
Cùng với không khí thi đua lao động sản xuất trên các công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp để "về đích" kịp tiến độ, trong dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo không khí vui tươi trong các tầng lớp nhân dân mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tỉnh cũng tổ chức các Đoàn đi thăm, tặng quà cán bộ Lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa. Đây là việc làm thể hiện sự tri ân đối với công lao của những người có công đóng góp cho nền độc lập của nước nhà, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Trong cái náo nức của ngày hội non sông, trong niềm vui của ngày Quốc khánh 2/9, tin rằng những khúc nhạc vui sẽ còn được viết tiếp, những mùa thu lịch sử sẽ được nối dài và sống mãi trong tâm trí của mỗi người dân với một niềm tự hào, tri ân sâu sắc.