P.V: Thưa ông, lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược luôn ghi dấu về lực lượng TNXP anh hùng, ông có thể cho biết những "mốc son" của lực lượng TNXP Việt Nam nói chung, TNXP Ninh Bình nói riêng?
Ông Ngô Trọng Cảnh: Thế hệ TNXP đầu tiên đã góp phần làm nên kỳ tích đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng mới. Gần 4 vạn cán bộ, đội viên TNXP tiếp tục phát huy tinh thần xung phong tình nguyện, đi đầu thực hiện phong trào thi đua khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, góp phần cùng tuổi trẻ cả nước xây dựng nên những công trình quan trọng của miền Bắc XHCN, làm hậu phương vững chắc, đảm bảo sức người, sức của phục vụ công cuộc chống đế quốc Mỹ xâm lược. Năm 1965, đáp lại lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, với sự hiệu triệu từ phong trào "ba sẵn sàng", gần 20 vạn thanh niên đã gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước và đã làm nên những chiến tích thần kỳ, dấu ấn lịch sử oanh liệt trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Lịch sử xây dựng và trưởng thành của TNXP Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến có đóng góp của hơn 1 vạn cán bộ, đoàn viên thanh niên tình nguyện của tỉnh Ninh Bình; họ đã có mặt trên hầu hết các cung đường, các trọng điểm ác liệt nhất. Trên tuyến lửa Quảng Bình và đường Trường Sơn huyền thoại, TNXP Ninh Bình góp mặt trong đội hình trên 40 nghìn TNXP của 15 tỉnh phía Bắc cùng với lực lượng ngành Giao thông - Vận tải, bộ đội công binh Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Lực lượng TNXP đã chiến đấu ngoan cường với tinh thần địch phá ta sửa ta đi, địch cứ phá, ta cứ đi, đường lại thông, xe pháo lại nối đuôi nhau hướng ra tiền tuyến chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thành tích ấy đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Lực lượng TNXP đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. 2 đơn vị TNXP tỉnh ta là Đội 25 và C2 K53 đã được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Ninh Bình thăm các gia đình đã cưu mang trong những năm tháng chiến đấu ở Quảng Trị. ảnh: C.T.V
P.V: Để quy tụ những TNXP trong tỉnh đã từng cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc trong 2 cuộc kháng chiến, Hội Cựu TNXP Ninh Bình đã được thành lập. Xin ông cho biết đôi nét về tổ chức Hội cũng như vai trò của tổ chức Hội hiện nay.
Ông Ngô Trọng Cảnh: Hội Cựu TNXP Ninh Bình được thành lập năm 2005, quy tụ được gần 7.000 cựu TNXP trong tỉnh. Có 8 tổ chức hội cấp huyện và 144 tổ chức hội cấp xã, phường. Hội đã làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, góp phần giải quyết những tồn đọng về chính sách với cựu TNXP. Hoạt động của Hội đã thực sự là mái ấm gia đình, cùng nhau đùm bọc, giúp đỡ khi khó khăn, hoạn nạn; động viên nhau xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội. Kể từ khi thành lập đến nay, các cơ sở hội đã xây dựng quỹ và tranh thủ từ nhiều nguồn hỗ trợ khác để hỗ trợ xây dựng được 164 ngôi nhà tình nghĩa; sửa chữa, nâng cấp 105 ngôi nhà; vân động Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) nuôi dưỡng 25 nữ cựu TNXP đơn thân... Tổ chức Hội cũng là nhân tố tích cực tham gia vào việc thực hiện Quyết định 104 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết chính sách cho cựu TNXP tham gia kháng chiến và sau đó là Quyết định 40/QĐ-CP của Chính phủ. Đến nay toàn tỉnh đã có 101 trường hợp được thẩm tra công nhận là liệt sĩ; 538 người được hưởng chế độ như thương binh; 2.561 người hưởng trợ cấp 1 lần; 70 người được hưởng trợ cấp hàng tháng; gần 2.200 người được cấp thẻ BHYT; 267 người hưởng chế độ chất độc da cam... Những kết quả này đã phần nào làm giảm những khó khăn trong cuộc sống của các cựu TNXP trong tỉnh.
P.V: Thưa ông, những TNXP xưa nay đã là những cựu TNXP; dù tuổi đã cao, cuộc sống của nhiều người cũng còn không ít khó khăn, nhưng phẩm chất TNXP vẫn tỏa sáng. Nhiều người đã trở thành những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước. Xin ông cho biết một số tấm gương cựu TNXP Ninh Bình tiêu biểu?
Ông Ngô Trọng Cảnh: Ở Ninh Bình có trên 7 nghìn cán bộ, chiến sĩ TNXP con em quê hương đã đóng góp một phần quan trọng vào chiến công chung, trong đó nhiều người đã hy sinh, hàng trăm TNXP để lại chiến trường một phần máu thịt, hàng trăm người mang trên mình di chứng chất độc hóa học, trên 100 nữ chiến sĩ TNXP ngày ấy đang sống đơn thân, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống… song họ vẫn đang là những tấm gương sáng trên mọi mặt trận, đặc biệt là trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo.
Có thể kể đến là cựu TNXP Nguyễn Văn Hy (xã Lạc Vân, Nho Quan) mở xưởng sản xuất ô mai, giải quyết việc làm cho người trong gia đình và 5 lao động là con em đồng đội. Ông Tạ Bá Luật (phường Trung Sơn, TP Tam Điệp) cùng các con mở doanh nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động. Bà Dương Thị Thơm (phường Vân Giang, TP Ninh Bình), bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, ủy viên BCH Tỉnh hội thường xuyên ủng hộ kinh phí đi tặng quà nhân các ngày lễ lớn cho các gia đình hội viên cựu TNXP khó khăn. 6 hội viên ở xã Cồn Thoi, Định Hóa (Kim Sơn) đã hiến tặng giác mạc khi qua đời...
P.V: Lịch sử đã khẳng định và chứng minh TNXP xứng đáng là biểu tượng rực rỡ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phong trào thanh niên yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, với tư cách một cựu TNXP, ông có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ hôm nay?
Ông Ngô Trọng Cảnh: Đất nước, quê hương đang tiến hành mạnh mẽ công cuộc đổi mới dưới sự dẫn dắt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lực lượng có vai trò và đóng góp quan trọng đó là thanh niên. Với những gì đã thể hiện thời gian qua cho tôi một sự tin tưởng rất lớn vào lực lượng thanh niên ngày nay sẽ phát huy tốt truyền thống cha anh. Tôi mong muốn các thế hệ thanh niên ngày nay cố gắng học tập, lao động sáng tạo; tiếp thu được những tinh hoa của trí tuệ nhân loại, vận dụng những bài học kinh nghiệm mà TNXP trước đây để lại để áp dụng vào thực tiễn học tập, công tác để đạt thành quả tốt hơn, cao hơn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Xuân Trường