Cô Trần Thị Bình, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn nhớ lại: Ngày đó, giặc Mỹ đã tập trung lực lượng và phương tiện đánh phá liên tục tất cả các mục tiêu của ta trên tuyến đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn bằng việc huy động nhiều lực lượng, phương tiện chiến tranh hiện đại, sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc. Chúng sử dụng không quân, kể cả "pháo đài bay B.52", lùng sục, tìm đánh các căn cứ, kho tàng, bãi đậu xe, trạm kỹ thuật, sở chỉ huy các đơn vị của ta… Đêm đêm, chúng dùng máy bay "túc trực" trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến. Để dễ phát hiện mục tiêu, giặc Mỹ sử dụng cả bom phát quang, rải chất độc hóa học, hủy diệt các thảm cây xanh; sử dụng các phương tiện kỹ thuật điện tử như "cây nhiệt đới", "người gác đường cần mẫn"; chúng còn gây mưa nhân tạo để làm lầy lội đường sá.
Trong những năm tháng ác liệt mà oanh liệt ấy, hàng vạn liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, trong đó có những chị của Tiểu đoàn nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh Ninh Bình, có nhiều chị khi trở về mang theo những vết thương chiến tranh, bị nhiễm chất độc da cam vẫn còn để lại di chứng đến tận hôm nay. Cô Vũ Hạnh Thư, nữ bộ đội Trường Sơn quê ở Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình kể: Vào cuối mùa mưa, mặt đường lầy lội, vũng nước liền kề, để ôtô có thể đi qua, chúng tôi cùng các anh chị thanh niên xung phong và chiến sĩ công binh hò nhau lấy thân cây rừng bắc thành cầu tạm nhưng chỉ được 2-3 chuyến, thân cây gãy vụn phải làm lại từ đầu.
Hòng chặn đường chi viện của ta cho chiến trường miền Nam, địch cho máy bay ném bom phá đường ngày đêm. Những đoạn ven sườn núi, các cầu, ngầm trở thành trọng điểm bắn phá của địch. Nhưng chúng tôi thường xuyên túc trực tại đây làm nhiệm vụ, vì đó là nơi khó khắc phục, dễ gây tắc cho cả đoàn xe. Ngoài khó khăn lớn nhất là "mưa bom, bão đạn", chúng tôi còn phải đối mặt với bệnh sốt rét ác tính hoành hành, nhiều chị em đã không giữ nổi dáng vẻ của thiếu nữ 18, đôi mươi nữa... Thời tiết Trường Sơn khắc nghiệt, mưa dầm dề làm đường tắc, không có đồ ăn, những bữa rau rừng, măng rừng thay cơm đã trở thành kỷ niệm khó quên trong đời lính của chúng tôi.
Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng phẩm chất bộ đội cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng trong mỗi cựu nữ bộ đội Trường Sơn năm xưa. Các mẹ, các chị đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tham gia lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tham gia công tác giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Cô Vũ Thị Lân, nữ bộ đội Trường Sơn quê ở Hoa Lư, hiện là thương binh 2/4, cũng là nạn nhân chất độc da cam nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội tại địa phương và có một gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt. Cô Lân tâm sự: Khi chiến tranh kết thúc, trở về quê hương, tôi không có ý định lập gia đình nữa vì mặc cảm thương tật. Nhưng tình cảm ấm áp từ người thân và đồng đội đã động viên, giúp tôi tự tin hơn rất nhiều. Một thời gian sau tôi lập gia đình, chồng tôi cũng là một người khuyết tật nên có sự đồng cảm lớn. Chúng tôi nương tựa vào nhau để vượt qua những tháng ngày khó khăn. Và bây giờ niềm vui lớn là được nhìn các con đã khôn lớn, trưởng thành, đều là những người có ích cho xã hội. Tôi có thời gian để gặp lại đồng đội, để ôn lại những kỷ niệm chiến trường, những chuyện ở quê hương, chuyện chồng, chuyện con… Và thầm cảm ơn những ngày tháng chiến đấu trên con đường Trường Sơn huyền thoại đã giúp chúng tôi từ những cô gái non nớt trở thành những người cứng rắn, mạnh mẽ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ngay cả trong cuộc sống đời thường.
Cô Trần Thị Bình, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn cho biết: Hiện nay, trong tổng số 500 nữ chiến sỹ của Tiểu đoàn chỉ còn lại gần 300 người. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của địa phương, một số chị em đã được hưởng chế độ ưu đãi. Hàng năm, Ban liên lạc Tiểu đoàn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ, động viên các chị cùng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời vận động bạn bè, gia đình, người thân, các tổ chức xã hội ủng hộ kinh phí để tặng quà và hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho những chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Tin tưởng, với bản lĩnh bộ đội cụ Hồ, các nữ bộ đội Trường Sơn năm xưa sẽ tiếp tục vượt lên mọi khó khăn, thử thách, tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tham gia giáo dục truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp.
Đào Duy-Anh Tuấn