Trong không khí của những ngày Tháng Tư lịch sử, phóng viên Báo Ninh Bình có dịp gặp gỡ và được nghe bác kểcâu chuyện về những ngày tháng hào hùng ấy.
Phóng viên (PV): Là người được tham gia vào Binh chủng đặc công, một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, xin Bác nêu một vài kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ cứu nước?
Bác Hoàng Anh Tài: Tháng 5-1971, sau khi học xong lớp 7, tôi cùng nhiều thanh niên trong huyện Nho Quan đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Lúc đó, Binh chủng đặc công cử người về huyện tuyển quân, rất may mắn khi tôi đáp ứng được các tiêu chuẩn của Binh chủng, được đưa đi huấn luyện tại Miếu Môn. Sau thời gian huấn luyện miệt mài, gian khổ với nhiều môn võ thuật và các nghiệp vụ đặc biệt, tháng 10-1972, tôi được lệnh vào Nam chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 429 một đơn vị đặc công của miền với phạm vi chiến đấu rất rộng bao gồm cả miền Đông Nam Bộ. Có lẽ do lúc đó tôi là người khá nhanh nhẹn nên được biên chế ngay vào Trung đội trinh sát của Tiểu đoàn với nhiệm vụ chuyên luồn sâu, nghiên cứu các mục tiêu quan trọng, sau đó dẫn đường cho lực lượng đặc công vào tấn công. Những trận đánh đầu tiên mà tôi tham gia ở khu vực Bù Đăng, Bù Đốp rồi đến chiến dịch đường 14 - Phước Long, ở mọi trận đánh lực lượng đặc công luôn thực hiện phương châm là đánh từ trong đánh ra, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, bí mật, bất ngờ, tấn công tiêu diệt ngay các mục tiêu quan trọng, làm cho kẻ thù phải nhiều phen thất điên bát đảo… Đến tháng 3/1975, Trung đoàn đặc công 429 nhận lệnh hành quân cấp tốc trên mặt trận Tây Nam Sài Gòn, từ thủ trưởng đến người lính ai cũng mệt mỏi háo hức chuẩn bị cho ngày tiến về Sài Gòn, mục tiêu chính là Tổng Nha cảnh sát của quân Ngụy.
PV: Bác có thể cho biết rõ hơn về vai trò của Trung đoàn đặc công 429 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử?
Bác Hoàng Anh Tài: Trung tuần tháng 4-1975, Trung đoàn đặc công 429 được nhận nhiệm vụ tiến đánh Tổng nha cảnh sát. Đây là một trong 5 mục tiêu trọng yếu, đầu não của chế độ Sài Gòn, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, nhưng chúng tôi được quán triệt bằng bất cứ giá nào cũng phải chiếm được Tổng Nha cảnh sát, tạo điều kiện cho binh chủng hợp thành thần tốc tiến vào Sài Gòn. Nhiệm vụ Trung đội trinh sát của tôi lúc đó là phải thâm nhập để điều tra về lực lượng phòng thủ, nhất là phải nắm rõ khu sở chỉ huy, điện đài thông tin, khu đóng quân của lực lượng cảnh sát cơ động chuẩn bị phương án tấn công mở đường cho bộ binh. Để vào được mục tiêu, chúng tôi chỉ mặc duy nhất một chiếc quần đùi rồi bôi lên cơ thể thứ nước hỗn hợp gồm lá khoai lang giã nhuyễn trộn lẫn bột ruột pin thắp sáng, nằm phơi sương để "khử mùi" cơ thể tránh sự phát hiện của chó và ngỗng cảnh giới, sau đó phải bí mật luồn qua 14 lớp rào với nhiều loại mìn để tiếp cận Sở chỉ huy địch nắm tình hình. 9 giờ tối ngày 29-4, tôi đưa hai mũi quân gồm 24 đồng chí vào ém quân tại Tổng Nha cảnh sát. Cuộc chiến đấu bắt đầu từ 3 giờ sáng đến 8 giờ ngày 30-4, đơn vị chúng tôi đã tấn công làm tê liệt toàn bộ đầu não chỉ huy, tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh của Trung đoàn 24 và 28 thuộc Sư đoàn 5 làm chủ hoàn toàn Tổng Nha cảnh sát rồi Bộ Tư lệnh Hải quân và kho xăng Nhà Bè, góp phần vào thắng lợi vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đó, đơn vị chúng tôi tiếp tục ở lại thành phố giúp nhân dân ổn định đời sống, xây dựng chính quyền, truy bắt tàn binh địch, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.
PV: Không khí ở Sài Gòn khi lá cờ Cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập thế nào, thưa bác?
Bác Hoàng Anh Tài: Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chúng tôi không thể giấu nổi niềm vui khi nghĩ về chiến thắng, hòa bình, thống nhất đất nước, không còn chiến tranh, không còn bom đạn, không còn chia ly, được sum họp cùng gia đình. Anh em chúng tôi ôm lấy nhau mà nước mắt cứ trào ra, không thể diễn tả hết được cảm xúc lúc đó - vừa hân hoan, rạo rực trong niềm vui chiến thắng, vừa xúc động nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống để có được thời khắc ấy. Ngày 30-4-1975 đã trôi qua 37 năm, nhưng hình ảnh biển người, rừng cờ, rừng hoa rợp đường phố Sài Gòn chào đón đoàn quân giải phóng sẽ mãi mãi không phai mờ trong tâm trí chúng tôi.
PV: Bác có suy nghĩ gì về những đổi thay của quê hương đất nước hôm nay?
Bác Hoàng Anh Tài: Tôi đã 2 lần tham gia quân ngũ với nhiều trận đánh lớn ở miền Đông Nam bộ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử rồi chiến đấu bảo vệ Biên giới. Trải qua bao nhiêu mất mát, hy sinh, giờ đây tôi thật sự hạnh phúc khi thấy quê hương mình thay da đổi thịt từng ngày. Cuộc sống hôm nay đã khác xưa nhiều, theo hướng tiến bộ, hiện đại. Sống trong hòa bình, chúng ta được ấm no, hạnh phúc hơn nhưng cũng đừng quên rằng, có rất nhiều người đã phải hy sinh xương máu, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để đánh đuổi kẻ thù, đưa đất nước bước tới đài vinh quang. Tôi mong rằng thế hệ trẻ hôm nay hãy phát huy bản lĩnh, trí tuệ tiếp bước cha anh để nhân lên mãi ngọn lửa tinh thần của các các thế hệ cha, anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PV: Xin cảm ơn bác và chúc bác sức khỏe, tiếp tục là tấm gương sáng cho con cháu noi theo !
Quốc Khang (thực hiện)