Trước khi về Hà Nội, đồng chí lần lượt ôm hôn các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và nói: "Trước giờ Binh đoàn Quyết Thắng ra trận, tôi muốn được ôm hôn tất cả cán bộ, chiến sỹ của Binh đoàn. Chúc Binh đoàn ra quân giành thắng lợi". Lần ra quân ấy đã mở màn cho những chiến tích vẻ vang của Quân đoàn sau này, đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử 30-4 của toàn dân tộc. Những người lính Quân đoàn năm xưa, người còn người mất nhưng giá trị của những năm tháng chiến đấu gian khổ và oanh liệt ấy vẫn được lưu giữ vẹn nguyên không chỉ trên trang sách mà còn trong ý thức phấn đấu, rèn luyện của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ của Quân đoàn.
Âm vang bản hùng ca chiến thắng
Trong những ngày tháng lịch sử ấy, khẩu hiệu "Đi xa, tiến sâu, đánh thắng trận đầu, thắng giòn giã liên tục đến thắng lợi hoàn toàn" do Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn đề ra không chỉ là mệnh lệnh chiến đấu mà còn là mệnh lệnh con tim, động viên mọi cán bộ, chiến sỹ tiến ra mặt trận giải phóng miền Nam.Từ ngày 1-4-1975, Quân đoàn nhận nhiệm vụ tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định... Đội hình hành quân của Quân đoàn kéo dài hàng trăm cây số, hành quân không kể ngày đêm qua những cánh rừng bạt ngàn, những vùng đất bụi bazan mù mịt.
Đến ngày 7-4-1975, Quân đoàn nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có đoạn "Thần tốc, thần tốc hơn nữa/ Táo bạo, táo bạo hơn nữa", đã trở thành lời hịch làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ trên đường ra trận. Qua 12 ngày đêm hành quân liên tục, vượt chặng đường dài 1.700 km, Quân đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hành quân, cơ động lực lượng, phương tiện xe pháo, vũ khí trang bị kỹ thuật vào chiến trường đúng quy định, đảm bảo an toàn, bí mật, sẵn sàng chiến đấu, lập nên kỳ tích cuộc hành quân "thần tốc" lịch sử.
Múa hát mừng ngày truyền thống của Binh đoàn Quyết Thắng. Ảnh: Hoàng Anh.
Với khí thế sục sôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, các đơn vị đã khẩn trương tranh thủ từng giờ, từng phút chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Điển hình là Lữ đoàn công binh 299, chỉ trong 4 ngày đã nhanh chóng mở 30 km đường rừng núi, phục vụ các lực lượng Quân đoàn vào vị trí xuất phát của chiến dịch. Chỉ trong 1 ngày chiến đấu, trên hướng tiến công của Quân đoàn, các đơn vị đã táo bạo, dũng mãnh tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Sư đoàn 312 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây, cô lập Sư đoàn 5 ngụy, trên hướng thọc sâu chiến dịch của Quân đoàn do Sư đoàn 320B đảm nhiệm đã đột kích nhanh chóng vào tuyến phòng ngự của địch.
Rạng sáng ngày 30-4 các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến về Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu quy định (Bộ Tổng tham mưu ngụy, quận lỵ Lái Thiêu, căn cứ Phú Lợi, Bến Cát...). Quân đoàn tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Sư đoàn 5 ngụy, các thiết đoàn 1, 18, 22; bắn cháy, phá hủy 60 xe tăng địch, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, 583 xe quân sự; bắt làm tù binh 13.580 tên địch... Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, 4 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...
Kỳ vọng vào thế hệ trẻ
Được viết tiếp trang sử hào hùng của cha ông vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao đối với những người lính trẻ của Binh đoàn Quyết Thắng. Đồng chí Trần Minh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự (Quân đoàn I), đã từng chiến đấu tại những chiến trường ác liệt nhất, có không ít băn khoăn nhưng cũng không quên kỳ vọng vào lớp trẻ: Hiện nay, đa số lính trẻ được qua đào tạo cơ bản, nắm vững lí luận chính trị và khoa học kỹ thuật, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng nhiều thanh niên chưa nắm vững lịch sử, vì vậy điều quan trọng hiện nay là cần tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho lớp trẻ.
Đi tìm lời giải đáp cho những trăn trở đó (có lẽ cũng là của rất nhiều CCB khác), chúng tôi tìm gặp những người lính trẻ của Binh đoàn. Nghe họ kể về lịch sử của đơn vị và hát những ca khúc cách mạng, chúng tôi hiểu bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ vẫn không quên hướng về truyền thống và biết trân trọng những giá trị lịch sử. Nhưng quan trọng hơn cả là với hành trang quý giá đó, mỗi người lính có thêm động lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện.
Binh nhất Nguyễn Văn Tâm (Tiểu đoàn thông tin 140, Bộ tham mưu) một trong những người vinh dự được tham gia giao lưu gặp mặt thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do Cục Chính trị tổ chức, chia sẻ: Không chỉ phát huy tính tích cực, tự giác học tập, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, chúng tôi cũng ý thức rõ trách nhiệm của bản thân với cộng đồng. Còn nhớ mùa mưa lũ cuối năm 2008, lực lượng thanh niên của tiểu đoàn đã nhanh chóng có mặt tại Kim Sơn giúp nhân dân gặt lúa, hạn chế thiệt hại; tham gia làm đường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở xã Đông Sơn... Ngoài ra, phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ, đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng trong huấn luyện mang lại hiệu quả thiết thực.
Gần đây nhất, Thượng úy Đinh Văn Cảnh đã đạt giải 3 trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật Binh chủng pháo binh lần 1 (2009) với mô hình "Thiết bị kiểm tra, bảo quản dây bọc dã chiến", giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong huấn luyện, diễn tập. Đặc biệt, nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh cảm động về Trung úy Đặng Đình Hào, Đại đội phó về kỹ thuật của Đại đội 2, phân đội 66, đơn vị xe tăng H02 đã hy sinh trong lúc giúp nhân dân huyện Nho Quan chống lũ. Những cá nhân, tập thể đó đang tiếp tục góp phần xây dựng nên hình ảnh đẹp và gần gũi của người lính Binh đoàn Quyết Thắng trong lòng nhân dân.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, Binh đoàn Quyết Thắng đang sôi nổi với nhiều phong trào cách mạng như "50 ngày đêm hành động cách mạng", "Thần tốc quyết thắng", "Sáng mãi Điện Biên"...
Đào Hiền