Trên địa bàn huyện Hoa Lư có trên 300 di tích, 65 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác quản lý di tích luôn được các địa phương đặc biệt quan tâm. Theo đó, các địa phương có di tích đều thành lập Ban quản lý, ban khánh tiết, xây dựng hương ước, quy ước quy chế phối hợp cùng thực hiện có trách nhiệm bảo vệ phát huy giá trị của di tích. Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin cũng phân công các cán bộ phụ trách bám sát địa bàn nhằm nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng của các di tích, từ đó kịp thời hướng dẫn các địa phương có giải pháp tu bổ theo đúng trình tự quy định. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các di tích đều có tuổi đời lâu năm nên hiện nay đã xuống cấp, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng đòi hỏi có giải pháp cấp bách để trùng tu, tôn tạo.
Khu di tích Chùa và Động Thiên Tôn là một trong 2 di tích đã được xếp hạng nằm trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư. Khu di tích được xây dựng từ thời nhà Nguyễn và được Bộ Văn hóa, Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962. Hiện nay, trải qua biến cố lịch sử và những trầm tích thời gian, nhiều hạng mục trong Khu Di tích xuống cấp nghiêm trọng.
Đại đức Thích Thanh Trường, Trụ trì Chùa và Động Thiên Tôn cho biết, hiện nay khu di tích vẫn còn hoang sơ, bị xuống cấp nhiều hạng mục. Những năm qua, hoạt động tu bổ duy nhất nhà chùa đã thực hiện đó là đảo lại ngói cho chùa nhằm giữ nguyên kiến trúc cổ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các phật tử tới lễ phật tại Chùa, Nhà chùa đã xây dựng một số công trình tạm. Để tu bổ các hạng mục đã xuống cấp, đồng thời kiến thiết những công trình mới, phù hợp với khuôn viên nhà chùa thì cần có nguồn kinh phí không nhỏ. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của đông đảo quý phật tử.
Xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư hiện cũng có 2 di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh năm 2012 là Đình Thượng và Đền Hạ. Ông Phạm Ngọc Hinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ cho biết, cả hai di tích này đều có tuổi đời từ 300-400 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Những năm qua, cùng với nguồn hỗ trợ 200 triệu đồng của tỉnh, địa phương đã huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhân dân địa phương để sửa chữa, tu bổ các di tích. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí có hạn, nên các hạng mục trùng tu chủ yếu mới là lát gạch, nâng nền, sửa nhà khách, xây dựng tường bao… trong khi đó, hạng mục quan trọng nhất là nhà Từ đường lại không thể tôn tạo vì nguồn kinh phí dự kiến lên tới hàng tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có gần 1500 di tích được phân bố đều khắp tại các xã, phường, thị trấn. Trong đó có 362 di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 78 di tích cấp quốc gia và có 279 di tích cấp tỉnh. Hầu hết các di tích đều có trên 100 năm tuổi, do vậy bị xuống cấp trầm trọng, đòi hỏi phải có giải pháp để trùng tu, tôn tạo.
Trước yêu cầu cấp bách đó, ngoài ngân sách hỗ trợ của Trung ương, năm 2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34 ngày 14/12/2015 về quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tất cả các di tích đều được thành lập Ban quản lý, có trách nhiệm quản lý, tổ chức các hoạt động liên quan đến di tích để bảo vệ giá trị di tích. Nhìn chung, những năm vừa qua, tất cả các Ban quản lý di tích ở các địa phương đã làm tròn trách nhiệm, nhờ đó, các hoạt động đã đi vào nề nếp.
Cũng theo Quyết định này, hàng năm trên cơ sở đề nghị hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp của Ban quản lý các di tích, tỉnh đã hỗ trợ từ 50 đến 350 triệu đồng cho các địa phương thực hiện tu bổ di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với sự đồng hành, góp sức của nhân dân, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện trùng tu lớn 10 di tích, các cuộc trùng tu đều tuân thủ theo đúng quy định.
Đối với các di tích đã xuống cấp nhưng chưa có điều kiện thực hiện trùng tu lớn thì sẽ được tỉnh hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp. Mỗi năm, tỉnh thực hiện hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp từ 20-28 di tích/năm. Tính riêng trong năm 2018, tỉnh ta đã hỗ trợ kinh phí tu bổ cho 28 di tích và dự kiến trong năm 2019 này, sẽ thực hiện hỗ trợ cho 26 di tích.
Bà Vũ Thanh Lịch, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Tuy nhiên, với mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng và nhiều nhất là 350 triệu đồng đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng từ ngân sách của tỉnh thì cũng chưa đủ để thực hiện các cuộc trùng tu, tôn tạo lớn. Vì vậy, việc huy động thêm kinh phí từ các nguồn lực xã hội hóa là một giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích một cách "ra tấm, ra món".
Trong năm qua, Kim Sơn là địa phương duy nhất trong tỉnh hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để trùng tu, tôn tạo hai di tích là Cầu Ngói và Đình làng Yên Lâm, còn lại ở hầu hết các địa phương khác đều huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Trong thời gian tới, các địa phương có di tích cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hiểu được những giá trị to lớn của các di tích, từ đó có những hoạt động thiết thực để bảo vệ, góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa của Ninh Bình với công chúng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Phòng Quản lý di sản cũng sẽ tích cực tham mưu cho lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ về quy định về Luật Di sản, chú trọng các quy trình, thủ tục về trùng tu, tôn tạo di tích, đồng thời tư vấn các mẫu linh vật được sử dụng trong di tích… cho các cán bộ văn hóa, lãnh đạo các địa phương để mọi hoạt động trùng tu được thực hiện thuận lợi theo đúng quy định.
Nguyễn Hùng