Trường Sa như hiện ra trước mắt chúng tôi không chỉ có sóng và gió, không chỉ có nỗi vất vả, sự hy sinh thầm lặng của những người lính, mà Trường Sa còn là máu thịt của Tổ quốc và ở đó luôn có những câu chuyện hết sức cảm động về nghĩa tình đồng chí, đồng đội, về tình cảm thân thương của đất liền dành cho những người lính ở đảo xa.
Câu chuyện của thiếu tá Nguyễn Văn Châm, người đã từng 3 lần ra đảo làm nhiệm vụ, "đưa" chúng tôi đến gần hơn với Trường Sa. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân I, Nguyễn Văn Châm được điều về công tác ở vùng 4 Hải quân. 3 năm sau, anh nhận nhiệm vụ ra Trường Sa, về đảo Nam Yết. Trong câu chuyện với chúng tôi, thiếu tá Châm kể về đồng đội, về tình yêu biển cả và những kỷ niệm sâu sắc của quãng thời gian ở đảo. Anh tâm sự "ở nơi đầu sóng, ngọn gió, tình yêu quê hương, đất nước yêu biển cả, tình cảm đồng chí, đồng đội là chất "keo" gắn bó chúng tôi, là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn và hiểm nguy để hoàn thành tốt nhiệm vụ". "Đảo là nhà, biển cả là quê hương" đó là câu nói thường trực, là khẩu hiệu hành động của mỗi người lính hải quân làm nhiệm vụ trên đảo.
Đợt đầu ra đảo 13 tháng, anh trở về đất liền. 6 tháng sau, anh ra đảo lần thứ hai, được phân công nhiệm vụ Điểm trưởng Đảo Núi Le B. Ra đảo lần này, tâm trạng của anh không còn cảm giác hồi hộp, lạ lẫm như lần đầu. Được rèn luyện, thử thách hơn 1 năm ở đảo Nam Yết, Nguyễn Văn Châm đã dày dạn, cứng cáp và tích lũy nhiều kinh nghiệm để chống chọi với phong ba, bão táp nơi trùng khơi. Hơn nữa, lần này với cương vị Điểm trưởng, anh xác định phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoàn cảnh, làm điểm tựa để động viên anh em trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sau này, anh còn một đợt ra Trường Sa nữa, về công tác tại đảo Đá Lát, giữ cương vị Đảo trưởng. Đảo Núi Le, đảo Đá Lát là những đảo chìm trong quần đảo Trường Sa. Thời điểm đó đảo chưa có điện thắp sáng như bây giờ, cũng chưa có điện thoại, mọi liên lạc với gia đình, người thân đều qua thư. Vì vậy, mỗi lần có tàu ra đảo, anh em rất phấn khởi. Những cánh thư từ đất liền là nguồn động viên lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để người lính vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió. Sau 3 đợt ra đảo, năm 2008, anh trở về đất liền, tiếp tục công tác tại vùng 4 Hải quân. Năm 2010, anh chuyển về Quân khu III và được điều động về Bộ CHQS tỉnh. Hiện nay, anh đang công tác tại Ban CHQS thành phố Ninh Bình.
Cùng ra đảo một đợt với thiếu tá Nguyễn Văn Châm còn có thiếu tá Ngô Xuân Trường, quê ở Ninh Bình. Anh hiện đang là cán bộ Ban tác Huấn phòng tham mưu, Bộ CHQS tỉnh. Trò chuyện với chúng tôi, thiếu tá Ngô Xuân Trường như sống lại khoảng thời gian đầy ắp kỷ niệm. Hồi ấy, ngoài thời gian tuần tra, canh gác, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, cán bộ, chiến sỹ còn tích cực tăng gia sản xuất, vì thế cũng có thêm rau xanh, thịt tươi để cải thiện. Gần ngày Tết, không khí đón xuân trên đảo càng nhộn nhịp. Trước Tết khoảng 2 tuần, các anh được đón tàu từ đất liền ra đảo. Tàu mang theo các loại thực phẩm như thịt, gạo nếp, lá dong, bánh, mứt, kẹo. Cùng với đó là những phong thư của gia đình, người thân, của bạn bè.
Vườn rau Thanh niên trên đảo chìm Tốc Tan A. Ảnh: Minh Đường
Kể về Tết ở trên đảo, thiếu tá Ngô Xuân Trường cho biết, quà của đất liền được chuyển đến tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa. Do vậy mà các anh được đón xuân với đầy đủ cả bánh chưng, giò thịt, mứt kẹo... Những người lính đảo cũng rất khéo tay, tự gói bánh chưng, chế biến các món ăn mang hương vị cổ truyền của dân tộc, rồi trang trí hội trường đầy sắc xuân. Cành đào được làm từ cây phong ba, những bông hoa làm bằng san hô, ốc biển màu sắc sặc sỡ trông y như thật. Tối giao thừa, cả đơn vị tập trung tại sân trung tâm, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hái hoa dân chủ. Vào thời khắc giao thừa, cán bộ, chiến sỹ đều quây quần trước màn hình ti vi xem truyền hình trực tiếp không khí đón Tết ở đất liền. Sau khi nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước, anh em cùng nhau nâng ly rượu chào đón mùa xuân đến. Thiếu tá Ngô Xuân Trường cho biết, vui xuân nhưng cán bộ, chiến sỹ trên đảo vẫn không quên nhiệm vụ, luôn nêu cao tinh thần ….cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, duy trì nghiêm các chế độ, nề nếp trực ban, trực chỉ huy và tuần tra, canh gác...
Câu chuyện của những người lính đã từng làm nhiệm vụ ở đảo "đưa" chúng tôi đến gần hơn với Trường Sa. Những tháng ngày ở Trường Sa mãi là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời người lính. Với các anh, Trường Sa không xa, nơi đó có đồng đội, có những người em đã và đang tiếp bước các anh làm nhiệm vụ cao cả, canh trời, giữ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Họ giống như cây phong ba ở Trường Sa, luôn hiên ngang, vững vàng trong bão táp.
Thu Thủy