Từ nghịch lý "liên thông ngược"
Nguyễn Văn Đình ở thành phố Tam Điệp đã tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên. Hơn 3 năm ra trường, Đình vẫn không tìm được việc làm, đành nộp hồ sơ vào mấy công ty trong KCN Tam Điệp, song vì không có tay nghề nên Đình chỉ xin được chân công nhân làm việc theo dây chuyền. "Tôi xác định bỏ tấm bằng sư phạm để đi làm công nhân. Song, nếu không có trình độ tay nghề thì mãi tôi cũng chỉ là những người thợ làm theo dây chuyền mà việc này chỉ cần trình độ tốt nghiệp THCS cũng có thể làm được. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi xin đi học nghề điện ở Trường Cao đẳng Nghề cơ điện, xây dựng Việt - Xô. Mất vài năm nữa để học, nhưng tương lai sẽ thực hiện được nhiều hoài bão hơn"- Nguyễn Văn Đình chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện, xây dựng Việt-Xô cho biết, những năm gần đây, câu chuyện tốt nghiệp đại học rồi quay lại học nghề như trường hợp em Nguyễn Văn Đình xảy ra khá nhiều. Trong vài năm trở lại đây, cả xã hội vẫn đang nhức nhối với tình trạng "thừa thầy - thiếu thợ". Theo số liệu thống kê năm 2016, cả nước có hơn 72.000 cử nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường nhưng thất nghiệp. ở tỉnh ta, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song thực tế con số ấy không nhỏ. Đáng buồn là một bộ phận đã tốt nghiệp đại học đành phải giấu bằng cử nhân xin đi làm công nhân, hoặc một bộ phận khác quay trở lại xin đi học nghề với hy vọng sớm tìm được việc làm. Với tình trạng "liên thông ngược" là điều đáng buồn cho cử nhân, gia đình và xã hội bởi nó gây lãng phí về thời gian và tiền bạc trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên, thực tế này cũng khẳng định thị trường lao động đang cần rất nhiều lao động có tay nghề.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), người đã gắn bó gần chục năm với sàn giao dịch việc làm, cho biết: Hiện nay, bất cứ doanh nghiệp nào ở các KCN, CCN và ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có tới 95% lao động tham gia sản xuất trực tiếp, số này chủ yếu là lao động có chuyên môn kỹ thuật, còn lại, chỉ khoảng 5% là lao động gián tiếp làm các công việc liên quan đến hành chính, văn phòng… là yêu cầu trình độ đại học. Tại các phiên giao dịch việc làm, trong tổng số hàng nghìn chỉ tiêu lao động, chỉ khoảng vài chục chỉ tiêu dành cho vị trí kế toán, hành chính… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đến sàn nhiều lần vẫn không tuyển đủ số lao động có tay nghề, còn có nhiều cử nhân mặc dù tham gia đều đặn các phiên giao dịch việc làm cũng không tìm được công việc đúng chuyên môn, hoặc các công việc hành chính. Cũng theo ông Hải thì đây không phải là hiện tượng mới trên sàn giao dịch việc làm. "Dự rất nhiều lễ tốt nghiệp các trường nghề, tôi chứng kiến cảnh doanh nghiệp đỗ xe ô tô đợi sẵn ở cửa chào đón học viên, trong khi sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lại phải mang hồ sơ tìm việc khắp nơi. Đây là một bức tranh "cười ra nước mắt" mà đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận lại"- ông Hải nói.
Trường nghề vẫn "chật vật" tuyển sinh
Mặc dù thực trạng "thừa thầy- thiếu thợ" diễn ra từ nhiều năm nay, song việc điều chỉnh nó vẫn chưa đáng kể. Bằng chứng là việc tuyển sinh vào các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khó khăn, mặc dù trường nào cũng ra sức nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện cơ sở vật chất và lo lắng tìm "đầu ra" cho học viên.
Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2017, các trường được tự chủ tối đa trong tuyển sinh, nhưng phải đảm bảo nội dung tối thiểu mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về ngành nghề đào tạo, thời gian, đối tượng và hình thức tuyển sinh. Với hình thức tuyển sinh quanh năm, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các trường dạy nghề. Thực hiện chủ trương này, ngay từ đầu năm, Trường Cao đẳng Nghề cơ điện, xây dựng Việt-Xô đã tổ chức truyền thông hoạt động tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó chú ý tới các trường ở vùng sâu, vùng xa để tư vấn tuyển sinh. Ngoài ra, Trường đặc biệt chú trọng tới tìm đầu ra cho học viên sau khi tốt nghiệp. Từ việc gửi học viên về các doanh nghiệp thực tập, các học viên còn nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để liên hệ việc làm… Mặt khác, ngay trong lễ bế giảng năm học, nhà trường tổ chức hội chợ việc làm và mời các doanh nghiệp trên địa bàn và các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp tham gia, qua đó tuyển dụng được những học viên đáp ứng được yêu cầu. Nhà trường cũng lập hẳn một phòng tư vấn việc làm cho học viên. Phòng tư vấn thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp, nắm bắt và tiếp nhận nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường cũng ký hợp đồng đào tạo cho các công ty về các ngành như vận hành, sửa chữa nhà máy thủy điện cỡ vừa và nhỏ cho Tập đoàn Hưng Hải, Công ty cổ phần xi măng miền Bắc…
Tuy nhiên, dù đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền, tư vấn, thậm chí có những chính sách ưu đãi cho học viên, nhưng đến thời điểm này nhà trường mới chỉ tuyển được 900 học viên trong tổng số 1.800 học viên theo chỉ tiêu. Theo bà Phan Thị Nhung, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, để đạt được chỉ tiêu 1.800 học viên, giải pháp mà nhà trường thực hiện đó là đào tạo tại chỗ cho các lao động nông thôn, lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, đây là giải pháp "cực chẳng đã" nhằm "lấp đầy" chỉ tiêu năm học này. Bởi lẽ, việc quản lý các lớp học "di động này" khá khó khăn. Bên cạnh đó, việc vận chuyển cơ sở vật chất, trang thiết bị đi theo phục vụ cho việc dạy và học cũng còn hạn chế, vì thế chất lượng đào tạo cũng không thể cao như đào tạo tại trường.
Nói về nguyên nhân của tình trạng khó tuyển sinh, theo một số lãnh đạo các trường dạy nghề, ngoài lý do "kinh điển" là tâm lý chuộng bằng cấp của người dân đã khiến các trường nghề khó tuyển được học viên thì hiện nay xuất hiện một nguyên nhân khác nữa, đó chính là tình trạng tuyển dụng lao động không qua đào tạo của các doanh nghiệp. Theo bà Phan Thị Nhung, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề cơ điện, xây dựng Việt-Xô thì không chỉ các doanh nghiệp trên địa bàn mà còn có cả những doanh nghiệp ở khu vực lập hẳn các trạm tuyển dụng tại các tỉnh, trong đó có tỉnh Ninh Bình. Các trạm này sẽ về các trường THPT để trực tiếp tuyên truyền, tuyển dụng, thậm chí tuyển dụng cả những học sinh tốt nghiệp THCS. Với việc không cần phải học nghề mà vẫn có thể tìm được việc làm với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng nên nhiều gia đình và học sinh lựa chọn giải pháp này. Tuy nhiên, xét về lâu dài thì đây là thực trạng đáng lo ngại. Bởi nếu không có tay nghề, người lao động sẽ khó tiếp cận với những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và liên tục đổi mới. Vì vậy, người lao động khó có vị trí làm việc ổn định với mức lương cao. ở thời điểm hiện tại, lao động giá trẻ không còn là lợi thế cạnh tranh nữa.
Nguyễn Hùng