Tại trường Cao đẳng cơ điện xây dựng Việt Xô, ngay từ đầu năm, nhà trường đã tổ chức truyền thông hoạt động tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, nhà trường đến tận các trường THPT trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường ở các huyện vùng sâu, vùng xa để tư vấn tuyển sinh; phối hợp với các trường THPT đưa thông tin tuyển sinh vào các buổi sinh hoạt toàn trường hàng tháng và các buổi sinh hoạt lớp hàng tuần. Trước mỗi mùa tuyển sinh, nhà trường dành nhiều kinh phí để thực hiện công tác truyền thông. Bên cạnh đó, để thu hút thí sinh, nhà trường còn mở rộng địa bàn tuyển sinh trên phạm vi cả nước. Theo đó, trường đã mở các trung tâm đào tạo tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mường Tè (Lai Châu) và Bát Sát (Lào Cai)…
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Hiệu trưởng của trường, để "hút" được học viên, phải nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước khẳng định vị thế của các trường nghề. Cụ thể, nhà trường chú trọng đến chất lượng đại trà và đầu tư, bồi dưỡng cho học viên chất lượng cao. Ngoài ra, trường đặc biệt chú trọng tới tìm việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Trường thường gửi học viên về các doanh nghiệp để thực tập. Qua đó, ngoài tiếp cận với thực tế điều kiện làm việc, các học viên còn nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…
Mặt khác, ngay trong lễ bế giảng năm học, nhà trường tổ chức hội chợ việc làm và mời các doanh nghiệp trên địa bàn và các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp tham gia, qua đó tuyển dụng được những học viên đáp ứng được yêu cầu. Nhà trường cũng lập hẳn một phòng tư vấn việc làm cho học viên. Phòng tư vấn thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp, nắm bắt và tiếp nhận nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường cũng ký hợp đồng đào tạo cho các công ty về các ngành như vận hành, sửa chữa nhà máy thủy điện cỡ vừa và nhỏ cho Tập đoàn Hưng hải, Công ty cổ phần xi măng miền Bắc…
Tuy nhiên, dù đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền, tư vấn, thậm chí có những chính sách ưu đãi cho học viên, nhưng các trường nghề vẫn thường trực nỗi lo khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Hiện trường Cao đẳng cơ điện xây dựng Việt Xô tổ chức dạy 19 nghề với 7 ngành đào tạo, trên khu nhà xưởng với diện tích 8.000m2 trị giá trên 33 tỷ đồng. Ngoài ra, trường còn liên kết với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tổ chức thực tập sản xuất cho học sinh, sinh viên gắn với đào tạo… Tuy vậy, những năm trở lại đây, việc tuyển sinh của trường đào tạo nghề có uy tín này cũng gặp không ít khó khăn. Cá biệt, năm học vừa rồi trường không tuyển đủ chỉ tiêu.
Đến thời điểm này, khi mà chỉ có hơn 1 tháng nữa là hết hạn tuyển sinh, trường Cao đẳng nghề Lilama mới tiếp nhận được ngót trăm hồ sơ, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường năm học 2014-2015 là trên 1500 học viên. Ông Nguyễn Đăng Sỹ, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: ở thời điểm năm 2010, quy mô đào tạo của nhà trường đạt từ 7.000 -8.000 học sinh, sinh viên/năm. Nhưng những năm gần đây, trường chỉ tuyển được 1/3, 1/4 chỉ tiêu cho một năm học. Đợt tuyển đầu tiên vào tháng 3/2014, nhà trường đã không tuyển được một chỉ tiêu nào cho hệ cao đẳng, và phải đến đợt tuyển lần này, nhà trường mới tuyển được gần 100 học sinh hệ trung cấp.
Do vậy, để đủ chỉ tiêu, nhà trường sẽ phải kéo dài thời gian tuyển hơn so với những năm trước. Cũng bởi vì thiếu học viên nên nhà trường buộc phải tinh giản bộ máy biên chế từ 250 người xuống còn 110 người. Các ngành, nghề cũng được thu gọn, loại bỏ những ngành chạy theo thị trường để tập trung đầu tư cho những ngành trọng điểm, truyền thống của nhà trường như: lắp đặt thiết bị cơ khí, hàn, kỹ thuật lắp đặt điện, điều khiển trong công nghiệp… Những ngành, nghề này các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Còn theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện xây dựng Việt Xô, thì việc tuyển sinh đã khó, việc giữ được học viên còn khó hơn. Hàng năm, số học viên của nhà trường đều bị hao hụt từ 5-10%. Nguyên nhân là các em vẫn chưa xác định được học nghề để lập nghiệp mà chỉ là học tạm, đợi cơ hội thi lại ĐH, CĐ vào năm sau.
Theo một số lãnh đạo các trường dạy nghề, tâm lý chuộng bằng cấp của người dân đã khiến các trường nghề khó tuyển được học viên. Bởi các phụ huynh đều muốn con cái mình phải thi bằng được vào các trường ĐH, CĐ. Trong khi đó, hiện nay, các trường đại học, cao đẳng mở ra ngày càng nhiều với chỉ tiêu tuyển sinh lớn, điểm đầu vào không cao…, tạo cơ hội cho các em hiện thực hóa giấc mơ vào giảng đường Đại học. Đặc biệt, năm nay Bộ GD&ĐT lại ra quy định bỏ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH. Do vậy, các trường CĐ, ĐH sẽ "vét" hết thí sinh, các trường nghề sẽ càng khó tuyển sinh hơn nữa.
"Có nhiều người giỏi tay nghề, chỉ vài năm sau khi tốt nghiệp trường nghề đã có thể mở được những xưởng sản xuất có tới hàng trăm công nhân. Nếu lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội thì cơ hội thành công cũng rất lớn"- ông Nguyễn Đức Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện xây dựng Việt Xô nói. Tuy nhiên, với chính sách tuyển sinh không dựa trên chiến lược phân bổ, điều chỉnh nguồn nhân lực tương lai như hiện nay thì các trường nghề đang ngày càng khó trong việc đào tạo ra lực lượng lao động chất lượng cao để cung cấp cho nhu cầu của xã hội.
Nguyễn Hùng - Minh Quang