Xác định rõ những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tác động tới công tác tuyển sinh, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô đã chủ động, linh hoạt nhiều hình thức tuyển sinh, đặc biệt là đẩy mạnh tuyển sinh qua hình thức trực tuyến. Dẫu có nhiều nỗ lực, song kết quả tuyển sinh thì vẫn còn rất thấp.
Ông Phạm Ngọc Vũ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Như mọi năm, nhà trường vẫn tiến hành tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp. Đối với hệ trung cấp, đối tượng tuyển sinh là học sinh lớp 9 và chủ yếu là học sinh có hộ khẩu trong tỉnh. Khi vào học, các em sẽ vừa được đào tạo nghề, vừa được học văn hóa.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhà trường không thể thực hiện được những buổi tư vấn, tuyển sinh trực tiếp, song nhờ duy trì sự hợp tác thường xuyên với các trường THCS nên việc tuyển sinh hệ trung cấp không gặp quá nhiều khó khăn. Tất nhiên, số lượng tuyển vẫn thấp hơn nhiều so với mọi năm.
Khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển sinh hiện nay của nhà trường, đó là khó tiếp cận được nguồn tuyển cho hệ cao đẳng.
Thực tế, đây luôn là bài toán đặt ra đối với đa số các cơ sở đào tạo nghề, nhưng đối với năm học này, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sự khó khăn càng tăng lên gấp bội. Đối với riêng trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô, đây là năm có kết quả tuyển sinh thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo kế hoạch, trong năm học này nhà trường có nhu cầu tuyển 450 sinh viên hệ cao đẳng. Dẫu vậy, sau khi đã khai giảng năm học mới vào ngày 23/8, đến nay, nhà trường cũng mới chỉ tiếp nhận được gần 100 sinh viên nhập học. Trong khi đó, ở cùng thời điểm những năm trước, con số này đã vào khoảng gần 400 sinh viên.
Phân tích về nguyên nhân, ông Phạm Ngọc Vũ cho biết thêm: Mặc dù đã có cải thiện, song trên thực tế, tâm lý của đa số phụ huynh vẫn là mong muốn con em mình học đại học sau khi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, năm nay, nhiều trường đại học mở rộng quy mô tuyển sinh nên cũng đã phần nào gây khó khăn cho các trường dạy nghề.
Đối với những em không học đại học thì phần lớn xuất thân trong gia đình lao động, có hoàn cảnh khó khăn. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều em học sinh có nguyện vọng đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT để có thêm thu nhập phụ giúp với gia đình.
Để hỗ trợ các đối tượng là học sinh thuộc diện gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động thuộc 55 xã có tính chất đặc thù theo Quyết định 140/QĐ-TU ngày 01/03/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy… có thêm điều kiện kinh tế để tham gia học nghề, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết cũng ưu tiên cho những lao động lựa chọn những ngành nghề đặc thù để phục vụ nhu cầu nhân lực của các ngành nghề kinh tế chủ lực trên địa bàn tỉnh gồm: ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; ngành công nghiệp điện tử; ngành du lịch và ngành nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu… với mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người/năm học.
"Việc có một chính sách đặc thù hỗ trợ học sinh, sinh viên khi tham gia học nghề đã tạo sự chuyển biến khá tích cực đối với công tác tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo nghề. Tuy nhiên, hiện nay chính sách này đã hết hiệu lực, vì vậy, chúng tôi mong muốn, tỉnh Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu và ban hành những chính sách hỗ trợ tương tự, để giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học nghề thay đổi cuộc sống"- ông Phạm Ngọc Vũ chia sẻ.
Đối với Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình, công tác tuyển sinh năm nay cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Hùng Cường, Trưởng phòng Tổ chức hành chính nhà trường, trong năm học này, nhà trường phấn đấu tuyển sinh được 200 học viên hệ cao đẳng, 950 học viên hệ trung cấp và 1550 học viên cho hệ sơ cấp. Ông Cường cho biết: Cũng như mọi năm, việc tuyển sinh cho bậc học cao đẳng luôn là bài toán khó. Nhất là trong năm nay dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp nên việc phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn, hướng nghiệp không thực hiện được.
Tuy nhiên, nhà trường cũng quay hình cho các buổi giới thiệu, tư vấn trực tiếp, thực hiện các video giới thiệu khoa, ngành học, điều kiện thực hành, cơ hội việc làm, đánh giá thị trường lao động… và bố trí ban tư vấn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của học sinh, sinh viên.
Dù đã khá linh hoạt trong công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh, song đến thời điểm này, nhà trường cũng mới chỉ tuyển được trên 30% tổng số chỉ tiêu. Vì khó khăn trong tuyển sinh, nên công tác tuyển sinh được nhà trường tổ chức 4 lần/năm học.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề. Thực tế cho thấy, linh hoạt sử dụng công nghệ trong công tác tuyển sinh đã được các nhà trường sử dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn còn ở mức độ. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở còn hạn chế về công nghệ và cách làm.
Bởi vậy, khi phải thay đổi để thích ứng với những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ là cơ hội để các cơ sở đào tạo nghề tự đổi mới mình bằng cách đầu tư hơn nữa về công nghệ, thay đổi hình thức truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bám sát xu hướng và phù hợp với thị hiếu để có thể tiếp cận nguồn tuyển dễ dàng hơn.
Chắc chắn, đây sẽ là sự đầu tư khôn ngoan và phù hợp với xu thế bởi khi thực hiện truyền thông và tuyển sinh trực tuyến sẽ không chỉ giúp các cơ sở đào tạo nghề tiết kiệm chi phí mà còn có thể tăng cường sự tương tác trực tiếp để giải đáp, cung cấp thông tin cho phụ huynh, học sinh, kể cả là khi thời điểm dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay hay khi tình hình dịch đã ổn định.
Có như vậy, mục tiêu phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt từ 70%-72%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 28%-32%. Phấn đấu đến năm 2025, giáo dục nghề nghiệp Ninh Bình tiếp cận trình độ quốc gia, đến năm 2030 tiếp cận các nước ASEAN… mới có thể trở thành hiện thực.
Đào Hằng