Năm nay, số trường được đăng ký tăng thêm nên thí sinh có nhiều cơ hội chọn ngành yêu thích hơn. Để hiểu rõ hơn về quy chế tuyển sinh năm nay cũng như công tác tuyển sinh của Trường Đại học Hoa Lư năm 2016, Báo Ninh Bình đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn: Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 được nhà trường tổ chức như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh: Năm 2016, trường Đại học Hoa Lư được UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh là 1.100 chỉ tiêu, trong đó có 800 chỉ tiêu đào tạo đại học, cao đẳng chính quy (đại học: 550, cao đẳng: 250) và 300 chỉ tiêu hệ Liên thông và hệ Vừa làm vừa học. Hiện nay, Trường Đại học Hoa Lư đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo 33 ngành, trong đó có 12 ngành có trình độ đại học và 21 ngành có trình độ cao đẳng. Căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh Ninh Bình, năm 2016, nhà trường thực hiện tuyển sinh 19 ngành, trong đó có 12 ngành trình độ đại học, 9 ngành trình độ cao đẳng (đã được UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT phê duyệt). Về chỉ tiêu tuyển mới năm 2016, cụ thể theo các nhóm ngành: Khối ngành sư phạm: 510 chỉ tiêu; Khối ngành kinh tế, kinh doanh: 150 chỉ tiêu; Khối ngành khoa học, kỹ thuật: 50 chỉ tiêu; Khối ngành văn hóa, nhân vă:n 90 chỉ tiêu.
Để công tác tuyển sinh đạt chỉ tiêu được giao, nhà trường có nhiều đổi mới, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT, phù hợp với thực tiễn của nhà trường và đáp ứng được nguyện vọng xét tuyển của thí sinh. Theo đó, nhà trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh năm 2016, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thí sinh có thể lựa chọn, đăng ký xét tuyển vào trường. Đề án đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để nhà trường triển khai thực hiện. Những điểm mới và các thuận lợi cơ bản của đề án như mở rộng phương án xét tuyển.
Năm 2016 nhà trường có 4 phương án xét tuyển như: Sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia; sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với thi tuyển; sử dụng kết quả học tập ở THPT (xét tuyển học bạ) và sử dụng kết quả ở THPT (xét tuyển học bạ) kết hợp với thi tuyển (năm 2015 nhà trường chỉ xét tuyển với 1 phương án là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia). Mở rộng tổ hợp các môn đăng ký xét tuyển: Năm 2016 các ngành đăng ký tuyển sinh của trường đều được mở rộng các tổ hợp môn để học sinh có thể sử dụng để đăng ký xét tuyển.
Mỗi ngành hầu hết đều có 4 tổ hợp môn có thể sử dụng để đăng ký xét tuyển. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá tuyển sinh đến phụ huynh và học sinh trên các phương tiện truyền thông như đăng thông tin tuyển sinh trên Báo Ninh Bình, Đài PTTH Ninh Bình; trên website của Sở GD-ĐT Ninh Bình; Phát hành trực quan thông tin tuyển sinh đến từng học sinh và phụ huynh (các thí sinh đăng ký thi ở cụm đại học và cụm do Sở GD chủ trì đều nhận được thông tin tuyển sinh của nhà trường). Công bố số điện thoại nóng để hỗ trợ, giải đáp, hướng dẫn tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh và thí sinh về thông tin tuyển sinh và việc đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Hoa Lư năm 2016.
Công tác tư vấn, hỗ trợ, giải đáp tuyển sinh và đăng ký xét tuyển năm 2016 là công việc được nhà trường đặc biệt quan tâm và đã triển khai thực hiện từ sớm, cụ thể như: Công bố số điện thoại nóng để hỗ trợ, giải đáp, hướng dẫn tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh và thí sinh về thông tin tuyển sinh và việc đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Hoa Lư năm 2016. Cử thành viên trong Hội đồng tuyển sinh trực tiếp phụ trách số điện thoại nóng để giải đáp, tư vấn, hỗ trợ về tuyển sinh. Tập huấn cho giảng viên, sinh viên tình nguyện của trường (để mỗi giảng viên, sinh viên đều nắm được thông tin về ngành nghề đào tạo, vị trí việc làm và các thông tin về việc xét tuyển của trường đối với tất cả các ngành tuyển sinh trong năm 2016), từ đó có thể cung cấp, giải đáp, hỗ trợ thí sinh có nhu cầu tìm hiểu, đăng ký xét tuyển vào trường một cách kịp thời nhất. Đồng thời, nhà trường đã thành lập đội tình nguyện viên tham gia "Tiếp sức mùa thi" gồm cả giảng viên, sinh viên tình nguyện đã tham trong đợt thi THPT Quốc gia vừa qua nhằm tư vấn, hỗ trợ, giải đáp các câu hỏi của thí sinh và phụ huynh, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
P.V: Với nhiều quy định mới của Bộ GD-ĐT trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trường Đại học Hoa Lư có giải pháp gì để thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường?
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh: Ngoài việc phát huy những thuận lợi đã nói ở trên, nhà trường đang triển khai một số giải pháp để thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Cụ thể như: Tạo điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất để thí sinh có thể tìm hiểu, nắm bắt thông tin về xét tuyển và việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường năm 2016. Các thông tin được cập nhật thường xuyên, đầy đủ trên tại trường, website của trường, Đài PTTH, Báo Ninh Bình. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, có thể nộp hồ sơ tại Trường Đại học Hoa Lư, nộp qua đường Bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến (qua phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT). Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, hồ sơ đăng ký xét tuyển: Thí sinh có thể lấy mẫu hồ sơ xét tuyển trên website của trường hoặc lấy trực tiếp tại trường để đăng ký xét tuyển. Các loại giấy tờ, hồ sơ đăng ký xét tuyển được quy định cụ thể, công bố trên website để tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh trong quá trình chuẩn bị để đăng ký xét tuyển.
P.V: Việc thí sinh trúng tuyển mới nộp kết quả, thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng có thuận lợi và khó khăn gì đối với nhà trường?
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh: Việc thí sinh trúng tuyển phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mà thí sinh lựa chọn để theo học sẽ là thuận lợi cho nhà trường trong việc xác định số lượng, chỉ tiêu cho các đợt tuyển bổ sung tiếp theo. Bên cạnh đó, việc thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả cho trường cũng là biện pháp để hạn chế số lượng thí sinh ảo trong các đợt xét tuyển bổ sung.
Tuy nhiên, trong đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành; các đợt bổ sung tiếp theo thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành sẽ có những khó khăn nhất định cho nhà trường vì tỉ lệ thí sinh ảo có thể sẽ tăng lên ở các đợt xét tuyển bổ sung.
P.V: Với quan điểm của nhiều gia đình thí sinh cũng như sự phát triển của xã hội, nhiều thí sinh có xu hướng học trường nghề, vậy nhà trường có những chiến lược phát triển trong công tác đào tạo sinh viên, mở rộng các khoa, các chuyên ngành mới để sinh viên ra trường có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội?
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh: Xu hướng phát triển kinh tế- xã hội, xu hướng sử dụng lao động hiện nay cũng như sự thay đổi trong việc lựa chọn và đăng ký ngành nghề để học tập của phụ huynh và học sinh sau khi tốt nghiệp THPT là cơ sở quan trọng để nhà trường xây dựng chiến lược phát triển trong giai đoạn 2016-2025. Trong chiến lược phát triển, nhà trường đã mở rộng ngành nghề đào tạo (mở mã ngành đào tạo mới), trong đó đặc biệt quan tâm tới nhu cầu về sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các thế mạnh về phát triển ngành nghề kinh tế của tỉnh để lựa chọn các ngành sẽ xin cấp phép đào tạo trong thời gian tới. Trong đó có thể kể tới một số ngành như Tiếng Anh (trình độ đại học), Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành … Cùng với đó nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên, cử giảng viên đi học thạc sĩ, nghiên cứu sinh đối với các lĩnh vực chuyên môn mà nhà trường dự kiến sẽ mở ngành đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc trang bị phương tiện, trang thiết bị trong phòng thí nghiệm; phòng thực hành để nâng cao năng lực thực hành, đáp ứng được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng lao động.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (Thực hiện)