Bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, ngành Giáo dục đang tích cực triển khai những công việc cần thiết để có được một mùa tuyển sinh đạt kết quả cao. Và bao giờ cũng vậy, trước mỗi kỳ tuyển sinh đều chứa đựng sự căng thẳng từ nhiều phía.
Tìm hiểu thực tế tại huyện Yên Mô, được biết: Năm 2009, toàn huyện có khoảng 2.100 học sinh đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng. Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh năm nay, Phòng Giáo dục huyện đã tiếp nhận 6.000 bộ hồ sơ đăng ký dự thi, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu mua hồ sơ của các em học sinh. Để tạo thuận lợi cho học sinh, Phòng đã cử cán bộ xuống tận các trường và trực tiếp bán hồ sơ. Trong những ngày này, cán bộ làm công tác tuyển sinh đã về các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên để phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn học sinh cách làm hồ sơ, quy trình thu hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ… Theo đó, đối với những học sinh đang học lớp 12, Phòng sẽ thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của các em theo đơn vị lớp, trường. Đối với thí sinh tự do thì thu nhận hồ sơ tại Phòng Giáo dục huyện. Cách làm này tránh được tình trạng thất lạc hồ sơ và những sai sót không đáng có. Song việc học sinh khi làm hồ sơ thường ghi sai mục 2, mục 3 và những quy định mã ngành dự thi của các đơn vị... vẫn là thường gặp, khiến cán bộ làm công tác tuyển sinh rất vất vả trong việc rà soát, kiểm tra những lỗi này.
Trước mỗi kỳ tuyển sinh, các sĩ tử là những người có nhiều căng thẳng, lo lắng nhất. Điều này được thể hiện ở việc chọn trường dự thi và đăng ký các nguyện vọng 1, 2... Qua khảo sát cho thấy, xu hướng đăng ký thi vào các trường đại học danh tiếng như: Bách khoa Hà Nội, Y khoa Hà Nội, Giao thông vận tải, Kinh tế quốc dân... đã giảm hơn rất nhiều so với các năm trước. Trường được coi là ít "tiếng tăm" như: Đại học Nông nghiệp I, Đại học Công nghiệp Hà Nội và một số trường đại học ở phía Nam như: Đại học Đà Nẵng, Huế... được nhiều học sinh đăng ký dự thi là do các trường này có hệ cao đẳng, nếu thí sinh không đủ điểm vào đại học sẽ được xét tuyển xuống hệ này. Hơn nữa, số điểm tuyển chọn cũng ở mức trung bình, tỷ lệ "chọi" thấp. Mặt khác, đầu ra của các trường này không đáng ngại vì khả năng xin việc dễ. Có thể nói, cuộc "chạy đua" đăng ký dự thi vào các trường đại học danh tiếng chỉ để cho "oai" đã không còn là "mốt" thời thượng của đại đa số học sinh và các gia đình. Bởi các thí sinh cũng như các bậc phụ huynh có cái nhìn mới và toàn diện hơn: Tất cả đều phải xuất phát từ học thực và chất lượng thực. Em Trịnh Văn Thuyết ở Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) tâm sự: Năm 2008, em thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Sinh học, nhưng thiếu 1 điểm. Không đỗ nhưng em thấy được lực học của mình ở mức nào và đã mắc những sai lầm gì ở kỳ thi ấy. Năm nay em tiếp tục đăng ký dự thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và quyết tâm không để xảy ra những sai lầm tương tự. Tuy vậy em vẫn rất lo lắng vì thời gian để em ôn luyện, làm bài thi theo phương pháp trắc nghiệm không được nhiều, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lúng túng ban đầu.
Căng thẳng và lo lắng cũng là điều dễ bắt gặp ở hầu khắp các phụ huynh có con đi thi đại học, cao đẳng. Chị Nguyễn Thị Duy (phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình) bộc bạch: Mấy hôm nay, cháu nhà tôi cứ băn khoăn hỏi bố mẹ xem nên đặt hồ sơ đăng ký dự thi vào trường nào. Rồi quên ăn, quên ngủ lao vào học hành, ôn luyện đến gầy cả người. Tôi rất lo và chỉ biết động viên cháu cố gắng học tập, ôn luyện, dự thi vào các trường theo sở thích, phù hợp với năng lực học tập, hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Còn kết quả như thế nào không quan trọng, miễn là cháu đã làm hết sức mình, vì đây chỉ là lần thử sức để cháu biết được khả năng của mình đến đâu để có hướng phấn đấu sau này.
Theo ông Nguyễn Văn Sản, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, GDTX (Sở Giáo dục - Đào tạo) thì: Tính chuẩn xác, nhanh chóng của mỗi kỳ thi tuyển sinh đã là áp lực lớn nhất đối với các cán bộ làm công tác tuyển sinh. Năm 2008 là năm thứ 10 tỉnh thực hiện quy trình truyền dữ liệu tuyển sinh trên mạng thông tin VDC qua hộp thư điện tử Internet và đã đáp ứng tốt các yêu cầu của Bộ về dữ liệu. Việc truyền, nhận thông tin từ Sở đến các trường đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục - Đào tạo và ngược lại được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng quy trình và không có sai sót.
Việc chuyển giấy báo dự thi và giấy báo nhập học đã được thực hiện nghiêm túc, chuyển đến tận tay cho các thí sinh một cách kịp thời để thí sinh yên tâm bước vào kỳ thi cũng như làm thủ tục nhập trường khi trúng tuyển theo đúng quy chế. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, THCN năm 2008 vẫn còn một số thiếu sót, đó là một số đơn vị nhận hồ sơ của thí sinh chưa ghi đầy đủ các cột, mục theo quy định hoặc viết sai mã ngành, tẩy chữa làm cho việc nhập dữ liệu vào máy tính gặp không ít khó khăn.
Việc sắp xếp thứ tự hồ sơ và thứ tự phiếu số 1 chưa khoa học dẫn đến việc giao nhận hồ sơ mất nhiều thời gian. Đặc biệt có 2 trường hợp thu hồ sơ nhưng đơn vị nhận lại không nộp cho Sở, dẫn đến thí sinh không có giấy báo dự thi và hậu quả là có 1 thí sinh không được bổ sung hồ sơ dự thi. Đây là sai sót không đáng có. Bên cạnh đó, các trường tổ chức thi đã không gửi giấy chứng nhận kết quả thi và giấy báo điểm của các thí sinh có nguyện vọng học ở các trường khác về cho Sở nên nhiều học sinh bị động trong việc đăng ký học theo nguyện vọng...
Để khắc phục những tồn tại này, Sở đã yêu cầu Phòng giáo dục các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn sớm triển khai hướng dẫn, phổ biến các quy trình, quy định làm thủ tục hồ sơ tuyển sinh cho học sinh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ làm công tác tuyển sinh, tránh hiện tượng làm thất lạc hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng trong việc bàn giao hồ sơ, lệ phí tuyển sinh đúng quy định, đúng thời gian cũng như xử lý kịp thời mọi sai sót trong việc đăng ký dự thi của thí sinh.
Bên cạnh đó, các em học sinh, các bậc phụ huynh cũng cần tìm hiểu, nắm bắt kỹ các thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh nhằm hạn chế sai sót trong quá trình ghi hồ sơ. Các trường THPT, Trung tâm GDTX cần làm tốt công tác tư vấn, giúp các em đánh giá được năng lực của mình, từ đó xác định được khối thi, ngành thi, trường thi trước khi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, tránh tình trạng một thí sinh nộp quá nhiều hồ sơ. Như vậy vừa gây lãng phí cho học sinh mà các trường thi tuyển lại bị động trong việc bố trí phòng thi, địa điểm thi do con "số thí sinh ảo"...
Đức Nghĩa