Mấy năm trở lại đây, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên nên Trung thu được tổ chức phong phú và đầy đủ hơn. Ở nhiều khu phố trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã "lồng ghép" rất hiệu quả việc tổ chức vui đón Tết Trung thu cho trẻ em với việc tổ chức "bữa cơm đoàn kết" để tụ họp, gắn kết các gia đình trong không khí ấm áp tình cảm phố, xóm.
"Sáng kiến" tổ chức "bữa cơm đoàn kết" được nhiều khu phố duy trì từ vài ba năm trở lại đây. Trong không khí thân mật, đậm đà tình cảm xóm giềng, mọi người, mọi gia đình trong phố có dịp vừa ăn uống, vừa trò chuyện để hiểu nhau hơn. Nhiều con, em của các gia đình trong phố dù đã đi công tác, sinh sống ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh nhưng cứ mỗi dịp Trung thu lại về thăm gia đình.
Trao đổi với một số đồng chí là Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, được biết: Những "bữa cơm đoàn kết" đã góp phần gắn kết và xiết chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó, hòa thuận của mỗi gia đình, cá nhân trong phố, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Tuy nhiên, bên cạnh những khu phố thực hiện rất tốt việc vui đón Tết Trung thu theo tinh thần Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về việc "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội" thì vẫn còn một số khu phố, một số cá nhân đã "biến" ngày vui của con trẻ thành "chiến trường" của những "trận" nhậu nhẹt say sưa, ăn uống linh đình, thậm chí sát phạt cờ bạc… Có nơi sau khi "rượu vào lời ra", hàng xóm, láng giềng còn "lao" vào "ẩu đả" gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự khu phố, làm sứt mẻ tình làng, nghĩa xóm.
Ngày nay, do đời sống của người dân được cải thiện nên việc tổ chức vui đón Tết Trung thu cho trẻ đã "biến tấu" đi rất nhiều theo mức sống, mức thu nhập của từng gia đình, từng khu dân cư như: nơi thì tổ chức Trung thu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân trong phố, nhưng có nơi lại tổ chức rất hoành tráng với mâm ngũ quả, bánh kẹo đắt tiền, thuê loa đài tổ chức văn nghệ tốn kém ầm ĩ…
Nhớ lại ngày Tết Trung thu xưa với nhiều nghi lễ trang trọng nhưng ý nghĩa như: rước đèn kéo quân, múa lân… được người lớn tổ chức đi "kèm" với các sự tích liên quan đến lịch sử ngày lễ truyền thống của dân tộc có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống cho con trẻ mà bao thế hệ người Việt Nam, khi đã trưởng thành, trở thành cha mẹ, lên chức ông, bà vẫn luôn lưu giữ trong tâm trí những hình ảnh đẹp về lễ Trung thu thuở còn thơ.
Ngày nay, múa lân vẫn được duy trì. Mỗi dịp trước Tết Trung thu, trên địa bàn thành phố xuất hiện các đoàn múa lân có sự tham gia của đông người, diễu hành qua các phố cũng góp phần "khuấy động" ngày hội của trẻ em. Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân phản ứng với sự có mặt của các đoàn múa lân chính là việc: không chỉ múa lân mà các đoàn còn dừng lại trước cửa các gia đình để… xin tiền. Hình ảnh này ít nhiều làm mất đi nét đẹp truyền thống vốn có của Tết Trung thu.
Thiết nghĩ, hơn bao giờ hết vai trò và trách nhiệm của Đoàn thanh niên trong việc hướng dẫn, tổ chức cho trẻ em vui đón Tết Trung thu theo hình thức "lũy tre xanh" cần phải được tăng cường và nâng cao hơn nữa để đảm bảo cho mỗi dịp Tết Trung thu thực sự là ngày vui của trẻ em. Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là chi ủy các thôn, xóm, phố cần sát sao hơn, đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh ở khu dân cư, có kế hoạch tổ chức Trung thu một cách cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình của mỗi địa phương, khu dân cư đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam/đioxin… để ngày Tết Trung thu cho trẻ em thật sự mang đúng ý nghĩa.
Lý Nhân