Vì vậy, phòng, chống HIV/AIDS luôn được ngành Y tế thành phố phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương quan tâm đẩy mạnh nhằm huy động sự tham gia tích cực của cả cộng đồng cùng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS, từng bước giảm số người nhiễm mới.
Từ ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào năm 1995, đến hết tháng 8-2013, tích lũy số trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn thành phố Ninh Bình là 520 người, trong đó có 244 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS, đã có 116 trường hợp tử vong. So với các địa phương trong tỉnh, thành phố Ninh Bình xếp thứ 3 về số lượng người nhiễm HIV/AIDS với 14/14 xã, phường đều phát hiện người nhiễm HIV. Do đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được ngành Y tế thành phố quan tâm đẩy mạnh nhằm giảm số người nhiễm mới và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV được chăm sóc sức khỏe.
Với nòng cốt là phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống AIDS tại cộng đồng dân cư", công tác phòng, chống HIV/AIDS được các cấp ủy, chính quyền thành phố lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, huy động được sự tham gia của cả cộng đồng cùng chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng, tránh sự kỳ thị, phân biệt với người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, công tác thông tin giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục với sự phối hợp tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong toàn thành phố, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các Trạm y tế xã, phường triển khai các hình thức tuyên truyền như: phát 800 tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền thông trực tiếp cho đối tượng có nguy cơ cao…
Để giúp người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng, trong thời gian qua thành phố Ninh Bình đã triển khai có hiệu quả các điểm dự án do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tài trợ với việc duy trì hoạt động của các nhóm: Vì ngày mai tươi sáng, áo trắng tình nguyện, Trao đổi bơm kim tiêm sạch... Các dự án đều tập trung vào mục đích thăm hỏi, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, can thiệp giảm tác hại qua tiêm chích ma túy, đường tình dục, lây nhiễm từ mẹ sang con. 8 tháng đầu năm 2013, đã thực hiện hơn 600 mẫu xét nghiệm HIV cho bà mẹ mang thai.
Đặc biệt từ tháng 6-2010 đến nay, thành phố Ninh Bình đã triển khai dự án quỹ toàn cầu tại 14/14 xã, phường trên địa bàn, các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Thông qua các đồng đẳng viên ma túy - đồng đẳng viên mại dâm - cộng tác viên y tế đã triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại tập trung, chủ yếu tiếp cận các đối tượng nguy cơ để truyền thông trực tiếp, phát tài liệu truyền thông, động viên, khuyến khích đối tượng thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV và giới thiệu, khuyến khích đối tượng tiêm chích ma túy, gái mại dâm đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở dịch vụ của dự án tại địa phương.
Từ đầu năm đến nay, đã tiếp cận truyền thông trực tiếp cho đối tượng ma túy với 9.914 lượt, đối tượng mại dâm với 1.526 lượt, phát 183.300 bơm kim tiêm, 190.368 bao cao su cho các đối tượng là nhân viên các cơ sở vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn…
Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở y tế quan tâm và tạo mọi điều kiện để người có H được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tại các Trạm y tế xã, phường, người nhiễm H đều bình đẳng trong việc khám, chữa bệnh, không có sự phân biệt đối xử với người nhiễm H và con cái của họ khi đến trường và trong sinh hoạt hàng ngày.
Các đoàn thể như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Hội nông dân… đều tăng cường tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS thông qua các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể, qua hoạt động của các câu lạc bộ… nhằm từng bước nâng cao nhận thức của hội viên, đoàn viên về tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Lý Nhân