Ngày đầu thành lập, Trung tâm gặp nhiều khó khăn, thách thức như đội ngũ cán bộ ít, chỉ có 3 biên chế (trong đó có 1 biên chế chuyên trách, 2 biên chế kiêm nhiệm), mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý (TGPL), tổ điểm cộng tác và Câu lạc bộ TGPL thời kỳ đầu chưa được hình thành, nguồn kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ hạn hẹp trong khi số người được TGPL trong tỉnh khá nhiều, đặc biệt là người nghèo, người có công với cách mạng… nên nhu cầu được TGPL cũng rất lớn.
Sau 20 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay bộ máy tổ chức của Trung tâm đã được củng cố và kiện toàn với 17 biên chế (trong đó: 8 Trợ giúp viên pháp lý và 9 chuyên viên; có 5 công chức, viên chức trình độ thạc sĩ Luật và 12 cử nhân Luật). Bên cạnh đó, để tập trung hoạt động TGPL hướng về cơ sở, Trung tâm đã phát triển mạng lưới TGPL gồm: 44 Câu lạc bộ TGPL ở các xã, phường, thị trấn và 89 cộng tác viên TGPL; đặc biệt quan tâm đầu tư ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Trung tâm đã tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở Tư pháp đề nghị UBND tỉnh ban hành 12 quyết định, chỉ thị, kế hoạch tăng cường chỉ đạo kiện toàn về tổ chức và triển khai hoạt động TGPL phù hợp với từng chính sách Nhà nước và đặc điểm tình hình thực tế địa phương.
Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã thực hiện TGPL cho 11.312 trường hợp với 11.304 vụ việc, về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, chính sách, hành chính và lĩnh vực pháp luật khác; cử trợ giúp viên pháp lý và luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 765 trường hợp trong 757 vụ việc, chủ yếu là người chưa thành niên, trẻ em, phụ nữ bị bạo hành.
Công tác truyền thông về TGPL được Trung tâm đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua hoạt động truyền thông đã tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm đến công tác TGPL và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người được TGPL thụ hưởng các hình thức TGPL; đặc biệt giúp cho các cơ quan Nhà nước nhìn nhận, xem xét lại những quyết định của mình (vì một số vụ việc ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của đối tượng được TGPL, có liên quan đến quyết định của cơ quan Nhà nước, hoặc hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước); đồng thời góp phần nâng cao dân trí pháp luật và giúp giải quyết vụ việc tranh chấp hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL một cách thuận lợi, nhanh chóng, đúng nơi, đúng chỗ, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Hoạt động TGPL hướng về cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Tư pháp cấp huyện và các đơn vị thuộc Hội Luật gia tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 670 buổi TGPL lưu động, đã thực hiện tư vấn pháp luật cho 9.394 trường hợp và tổ chức 28 buổi đối thoại chính sách, pháp luật cho gần 5.000 người đại diện cho hộ nghèo, người khuyết tật, phụ nữ; đồng thời cấp phát miễn phí hơn 120.000 tờ gấp pháp luật cho nhân dân tham dự. Bên cạnh đó, Trung tâm đôn đốc, hướng dẫn các Câu lạc bộ TGPL duy trì sinh hoạt hàng tháng, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ; thường xuyên cử cán bộ xuống tham dự sinh hoạt Câu lạc bộ, đồng thời đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động hàng tháng cho 44 Câu lạc bộ từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn Quỹ TGPL Việt Nam. Trong 20 năm qua, các Câu lạc bộ TGPL đã tổ chức hơn 10.000 buổi sinh hoạt, phần lớn nội dung sinh hoạt theo chuyên đề pháp luật, tuyên truyền pháp luật và thực hiện tư vấn pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật cho 1.200 trường hợp, chủ yếu về lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình và một số chính sách, pháp luật mới của Nhà nước.
Trung tâm đã tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp cử hàng chục lượt viên chức tham dự tập huấn nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức, 13 viên chức học lớp bồi dưỡng nguồn trợ giúp viên pháp lý, 8 viên chức học lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư, 5 viên chức học lớp cao học luật; tổ chức 64 lớp tập huấn nghiệp vụ TGPL cho 6.999 lượt người tham dự (gồm: Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL, công chức Tư pháp - Hộ tịch, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, Tổ trưởng Tổ hòa giải). Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Phòng Bảo trợ xã hội - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 11 lớp tập huấn kỹ năng TGPL cho đối tượng đặc thù (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em) nhằm nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện TGPL. Thông qua các lớp tập huấn đã nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện TGPL, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ TGPL tạo được cầu nối hỗ trợ pháp lý cho người được TGPL và niềm tin của chính quyền, nhân dân địa phương; giúp cho chính quyền địa phương và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ vai trò, chủ động phối hợp thực hiện TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện TGPL.
Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh được duy trì thường xuyên. Trung tâm đã tham mưu với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh tổ chức 7 hội nghị quán triệt các nội dung cơ bản pháp luật về TGPL; 6 lớp bồi dưỡng cập nhật các văn bản pháp luật mới về dân sự, hình sự, hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính cho 815 lượt cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh; tổ chức 3 cuộc hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng TGPL trong hoạt động tố tụng và hàng năm tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp về TGPL với sự tham dự của các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp, thành viên Hội đồng phối hợp, Đoàn Luật sư tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện và đội ngũ người thực hiện TGPL... Qua đó, đã giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo thuận lợi cho người được TGPL thụ hưởng chính sách TGPL; quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong các vụ việc tham gia tố tụng được đảm bảo khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng quy trình thủ tục theo pháp luật tố tụng và pháp luật về TGPL; đồng thời, có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng hiệu quả các vụ việc tham gia tố tụng của đội ngũ người thực hiện TGPL.
Công tác kiểm tra, giám sát luôn được chú trọng, bằng việc xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể và kịp thời theo dõi, phân loại, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL do luật sư cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Từ năm 2005 đến 30/6/2017 Trung tâm TGPL đã thẩm định đánh giá chất lượng hơn 600 vụ việc tham gia tố tụng và gần 100 vụ việc tư vấn pháp luật của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật đã hoàn thành, thực hiện chi trả thù lao cho người thực hiện TGPL từ các nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước của tỉnh và Dự án "Hỗ trợ TGPL Việt Nam giai đoạn 2005-2010" đảm bảo đúng chế độ quy định. Năm 2011 và 2015, tiến hành các cuộc kiểm tra hoạt động của 37 Câu lạc bộ TGPL về cơ cấu tổ chức, hình thức và nội dung sinh hoạt, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định pháp luật nhằm chấn chỉnh hoạt động của một số Câu lạc bộ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn kinh phí hỗ trợ; đồng thời có định hướng cụ thể về nội dung sinh hoạt và mô hình hoạt động có thể lồng ghép với các Câu lạc bộ pháp luật ở địa phương để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút nhiều đối tượng tham gia.
Để đạt được những thành tích trên, trong suốt 20 năm qua, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, cơ quan trong tỉnh, đặc biệt là sự đoàn kết đồng lòng của tập thể đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, hoạt động TGPL trong tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh qua từng thời kỳ gắn liền với xu thế phát triển chung của hoạt động TGPL cả nước và của một chính sách nhân đạo mang bản chất nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta.
Bùi Thị Thanh Tâm
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh