Ninh Bình là một những tỉnh có phong trào trồng nấm sớm (từ năm 1995). Hiện trên địa bàn tỉnh đang duy trì 11 HTX và tổ hợp tác, gần 100 cơ sở sản xuất nấm quy mô vừa phải, hàng năm sản xuất khoảng 4.200 tấn nấm sò, 650 tấn mộc nhĩ, 100 tấn nấm rơm, 250 tấn nấm mỡ. và một số loại nấm như: nấm linh chi, vân chi, đầu khỉ, chân trâu, kim châm...được sản xuất ở một số cơ sở trong tỉnh.
Nghề trồng nấm đem lại thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động nông thôn, có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi tận dụng phế liệu của sản xuất nông nghiệp. Thị trường tiêu thụ nấm ngày càng được mở rộng ra các địa phương ngoài tỉnh với giá bán: Nấm sò từ 20.000-30.000 đồng/kg; mộc nhĩ 120.000-180.000 đồng/kg, linh chi từ 70.000-800.000 đồng/kg...và luôn trong tình trạng thiếu hàng.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là lượng nấm sản xuất ra thiếu tính ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo và đáp ứng được yêu cầu; sâu bệnh đang có chiều hướng phát triển gây hại cho nghề trồng nấm; trang thiết bị, máy móc áp dụng vào trồng nấm còn hạn chế; một số cơ sở sản xuất nấm còn hạn chế về kiến thức trồng nấm...
Các đại biểu dự hội nghị đã đến thăm cơ sở sản xuất nấm của hộ ông Phạm Văn Mỹ (Khánh Vân-Yên Khánh) với việc đa dạng sản xuất nhiều loại nấm khác nhau: linh chi, vân Chi, sò, mộc nhĩ và cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của những cơ sở sản xuất nấm có hiệu quả…
Cũng tại hội nghị, Trung tâm nấm Hương Nam và ông Phạm văn Mỹ (Khánh Vân) đã ký biên bản ghi nhớ cung ứng các loại giống nấm; Công ty CP nấm Việt (Hà Nội) đã ký kết với HTX nấm và cây dược liệu Khánh Công, Cửa hàng thực phẩm Việt (Hà Nội) ký với HTX nấm Yên Nhân-Yên Mô về sản xuất và bao tiêu sản phẩm nấm.
Đinh Chúc- Đức Lam