Tới dự có lãnh đạo Chi cục BVTV; Phòng NN&PTNT huyện Gia Viễn; lãnh đạo xã Gia Thanh; một số HTX NN trên địa bàn huyện Gia Viễn. Các đại biểu dự hội nghị đã đi thăm thực tế khu đồng bố trí các công thức thí nghiệm và hội thảo tại hội trường HTX Thượng Hòa.
Gieo thẳng là một biện pháp kỹ thuật ngày càng được áp dụng vào trong sản xuất với vụ xuân 2016 toàn tỉnh đạt gần 12.000 ha. Tuy nhiên để áp dụng biện pháp này có kết quả và hiệu quả, ngoài các vấn đề cần chú ý như làm đất, tưới tiêu, trừ cỏ, diệt ốc bươu vàng, chăm sóc, bón phân..., yếu tố về lượng giống cần thiết gieo trên một đơn vị diện tích cùng rất quan trọng và phải phù họp với từng vùng đất, chân đất, giống lúa.
Để xác định vấn đề này, từ vụ mùa 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai đề tài xác định mật độ lúa trong gieo thẳng cho các vùng miền khác nhau. Vụ xuân 2016, Trung tâm đã triển khai mô hình tại HTX Thượng Hòa, Gia Thanh (Gia Viễn) với quy mô 1ha, giống lúa Thiên ưu 8 (trọng lượng 1000 hạt là 21gam).
Mô hình được bố trí thành 3 công thức: CT1 mật độ gieo 157 hạt/m2, tương đương 1,2 kg giống/sào; CT2 mật độ gieo 198 hạt/m2, tương đương 1,5 kg giống/sào; CT3 mật độ gieo 264 hạt/m2, tương đương 2 kg giống/sào.
Các yếu tố khác như: lượng phân bón, cách bón, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước...ở các công thức là như nhau.
Kết quả cho thấy: Năng suất lý thuyết cao nhất ở CT2 với 70,8 tạ/ha, tương đương với 254,7 kg/sào và thấp nhất ở CT3 với năng suất 68,5 tạ/ha, tương đương 246,7 kg/sào.
Năng suất thống kê cao nhất ở CT2 đạt 61,6 tạ/ha, tương đương với 221,6 kg/sào; thấp nhất ở CT3 với 59.6 tạ/ha, tương đương với 214,7 kg/sào.
Về hiệu quả kinh tế, CT2 cho hiệu quả kinh tế cao hơn CT1 là 18.900 đồng/sào (tương đương với 525.000 đồng/ha) và cao hơn CT3 là 58.900 đồng/sào (tương đương với 1.636.000 đồng /ha).
Tin, ảnh: Đinh Chúc