Ông Đoàn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cho biết: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được thành lập năm 1992, đến năm 2014 được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và được đổi tên thành Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Phòng Tư vấn - Trợ giúp cũng được thành lập. Phòng Tư vấn - Trợ giúp có 4 chức năng chính, đó là: Phòng ngừa, can thiệp, phục hồi, phát triển. Đi kèm với chức năng chính, phòng có nhiệm vụ tham vấn, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, trị liệu, rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng về tâm lý; kết nối các đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội; huy động nguồn lực, kết nối các dịch vụ trợ giúp cho đối tượng; hỗ trợ cá nhân, gia đình giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội. Đồng thời, phòng có nhiệm vụ đẩy mạnh truyền thông, phát triển cộng đồng... Xác định, đây là một trong những nhiệm vụ mới của Trung tâm, thời gian qua, Ban Giám đốc Trung tâm đã tập trung để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Phòng Tư vấn - Trợ giúp, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của Phòng trong hoạt động của Trung tâm.
Ông Phạm Đức Hạnh, Trưởng phòng Tư vấn - Trợ giúp cho biết: Ngay sau khi được thành lập, được sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Giám đốc Trung tâm, Phòng đã ổn định tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động, quy trình thủ tục giải quyết công việc theo hướng tiếp cận và giải quyết nhanh những yêu cầu của các đối tượng, bảo đảm đúng quy định, đúng pháp luật và thực sự hiệu quả.
Với phương châm phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, Phòng Tư vấn - Trợ giúp đã tích cực tham mưu cho Ban Giám đốc Trung tâm triển khai nhiều hoạt động chuyên môn như: Kết nối và xây dựng mạng lưới cán bộ công tác xã hội cấp xã để làm cầu nối với Trung tâm trong việc tiếp nhận thông tin và triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội của phòng. Phân công nhiệm vụ cho cán bộ theo năng lực, sở trường một cách hợp lý nhằm đạt được mục tiêu và phát huy tối đa hiệu quả công việc.
Công tác tư vấn, kết nối và can thiệp hỗ trợ được coi trọng. Từ khi thành lập đến nay, Phòng đã thực hiện tư vấn trực tiếp đối với 316 lượt đối tượng có nhu cầu cần trợ giúp, trong đó có 218 trường hợp tại văn phòng và 68 trường hợp thông qua điện thoại, 30 trường hợp là do cán bộ tư vấn của Phòng xuống cộng đồng tìm hiểu, liên hệ và tư vấn trực tiếp tại gia đình đối tượng. Qua các buổi tư vấn trực tiếp, nhân viên tư vấn và trợ giúp đã giải thích thỏa đáng những thắc mắc của đối tượng về dịch vụ trợ giúp xã hội của đối tượng đang được hưởng và kết nối để các đối tượng đủ điều kiện để được hưởng các chế độ trợ giúp theo đúng quy định. Ngoài ra, Phòng đã phối hợp với Phòng Bảo trợ xã hội (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) thực hiện nhiệm vụ thu gom đối tượng tâm thần, lang thang cơ nhỡ trong các dịp lễ, Tết.
Cùng với đẩy mạnh tư vấn, kết nối và can thiệp hỗ trợ, Phòng Tư vấn - Trợ giúp còn quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông, nâng cao năng lực và phát triển cộng đồng. Trong 2 năm qua, Phòng đã thiết kế, in và phát hành 9.000 tờ rơi tuyên truyền chức năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội của Trung tâm; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Ninh Bình xây dựng phóng sự đưa tin về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và nghề công tác xã hội; tổ chức tập huấn cho cán bộ, viên chức của Phòng Tư vấn - Trợ giúp đối tượng về quy trình tiếp nhận, quản lý, chăm sóc đối tượng.
Cùng với đó, Phòng phối hợp với địa phương tổ chức các hội nghị truyền thông nâng cao năng lực cho 500 cộng tác viên công tác xã hội ở các xã, thị trấn. Tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ năng chăm sóc người khuyết tật và người rối nhiễu tâm trí cho 380 người thân và gia đình của đối tượng tại các xã thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn và Yên Mô. Tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền về quyền trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em và sức khỏe vị thành niên cho 400 học sinh THCS, qua đó giúp các em có kiến thức phòng tránh những vấn đề rủi ro ảnh hưởng tới bản thân, từ đó nâng cao năng lực phát triển toàn diện hơn.
Cùng với đó, Phòng đã rà soát các đối tượng yếu thế ngoài cộng đồng cần tư vấn trợ giúp, tổ chức lập hồ sơ quản lý để tư vấn và trợ giúp kịp thời. Ngoài ra, để các đối tượng có nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ tư vấn, trợ giúp, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh đã xây dựng nội dung các hoạt động của Trung tâm để đưa lên trang Web (http://ttbtctxh.ninhbinh.gov.vn/). Từ đây, các đối tượng có thể tham khảo các thông tin, bảo đảm nhanh chóng, chính xác và thuận tiện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Phòng tiếp tục tham mưu cho Ban Giám đốc Trung tâm triển khai các hoạt động như: Tư vấn và trợ giúp cho 100% đối tượng có nhu cầu cần trợ giúp khi tìm đến Trung tâm. Duy trì tốt các hoạt động của trang web và tiếp tục mở rộng mối liên hệ tới các cộng tác viên công tác xã hội địa phương làm đầu mối hỗ trợ trong công tác tư vấn, trợ giúp và kết nối với các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng. Tiếp tục hướng dẫn, nâng cao năng lực cho cán bộ của Phòng về nghề công tác xã hội. Tổ chức hội thảo chuyên đề về công tác xã hội kết nối các dịch vụ để hỗ trợ các đối tượng giải quyết khó khăn. Đồng thời tổ chức các hội nghị truyền thông và nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội ở các huyện, thành phố. Thực hiện các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn bị xâm hại tình dục, bạo lực, ngược đãi cho trẻ em... Qua đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của phòng, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của nghề công tác xã hội.
Minh Ngọc