Hầu hết các trường hợp lây nhiễm được phát hiện tại Thượng Hải, nhưng có khả năng vi-rút H7N9 lây lan rộng hơn. Chính quyền TP Thượng Hải tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn dịch cúm nguy hiểm lây lan bằng các biện pháp như tẩy trùng trường học, thiêu hủy hàng trăm nghìn con gia cầm và đóng cửa các chợ bán gia cầm sống. Sở Nông nghiệp thành phố này cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra các tuyến đường vào thành phố nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển gia cầm sống.
Trong khi đó, chính quyền trung ương Trung Quốc đã phát thuốc thử phản ứng vi-rút cúm H7N9 cho hơn 400 trung tâm kiểm soát gia cầm trên cả nước. Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Trung Quốc (CCDCP) cung cấp các dụng cụ thử phản ứng và các chỉ dẫn thử phản ứng với vi-rút H7N9 cho các bệnh viện và cơ sở nghiên cứu chính về bệnh cúm này.
CCDCP đã tham gia các cuộc hội thảo từ xa do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức và thông báo về tình hình nhiễm vi-rút cúm H7N9 tại Trung Quốc. Ngoài ra, trung tâm này cũng liên hệ với các cơ quan y tế của Mỹ và nhiều nước khác nhằm hợp tác kỹ thuật.
Chính quyền Trung Quốc đã phê duyệt thuốc Peramivir, một loại thuốc chống cảm cúm mới, được cho là có khả năng điều trị hữu hiệu vi-rút cúm gia cầm H7N9. Tại Thủ đô Bắc Kinh, chính quyền thành phố đã cấm buôn bán gia cầm sống bên ngoài chợ và cấm giết mổ gia cầm không có giấy phép.
Chính quyền tỉnh Quảng Ðông đã lập một quỹ ban đầu 30 triệu nhân dân tệ (4,76 triệu USD) để phòng, chống cúm H7N9 cũng như hỗ trợ các bệnh nhân nghèo bị nhiễm vi-rút. Bộ Giáo dục Trung Quốc ra lệnh cho tất cả các trường học trên cả nước phải bảo đảm sức khỏe của học sinh, sinh viên và thầy giáo, cô giáo bằng cách bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và theo dõi các triệu chứng bệnh.
Tại Trung Quốc vẫn có thêm nhiều ca mắc mới vi-rút H7N9. Chuyên gia thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc (MOA) cho biết, có thể chim di cư đã mang vi-rút cúm H7N9 đến Trung Quốc vì hầu hết loại vi-rút này được tìm thấy trên các gia cầm sống bán ngoài chợ mà không phát hiện tại các trang trại nuôi gia cầm.
Ðến nay vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm và cách thức lây vi-rút H7N9. MOA đã điều một nhóm làm việc tới các khu chợ địa phương và các trang trại chăn nuôi để thu thập các mẫu phẩm về xét nghiệm. Bộ này khẳng định sẽ công khai kết quả một cách minh bạch và kịp thời.
Trước tình hình trên, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) công bố danh sách các khuyến nghị nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút cúm gia cầm H7N9, trong đó có việc tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh nghiêm ngặt và cách ly các giống vật nuôi.
FAO kêu gọi nông dân và những người chăn nuôi thường xuyên rửa tay và nuôi giữ động vật ở cách xa khu vực sinh sống của gia đình, đồng thời khuyến cáo người dân không nên ăn thịt động vật bị bệnh cũng như không sử dụng động vật bị bệnh làm thức ăn cho các động vật khác.
Người dân cần thông báo ngay cho chính quyền những dấu hiệu bị bệnh hoặc tình trạng chết đột ngột và không rõ nguyên nhân của các loài gia cầm, chim nuôi, chim hoang dã hoặc các động vật khác để nhà chức trách có các biện pháp xử lý an toàn và ngăn chặn vi-rút lây lan.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, không có dấu hiệu cho thấy các trường hợp nhiễm vi-rút cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc là do lây từ người sang người, song không thể loại trừ khả năng loại vi-rút này đã lây lan theo cách thức tương tự như chủng vi-rút H5N1.
Theo NDO