Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng tăng, chất lượng tín dụng được nâng cao.
Sau 5 năm triển khai, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 19.505 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng với tổng số tiền đã giải ngân đạt gần 337 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn, qua đó góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của cả nước.
Tại Ninh Bình, mặc dù điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực ủy thác qua Ngân hàng CSXH để thực hiện tín dụng chính sách xã hội với tổng nguồn lực hỗ trợ là gần 121 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng nguồn vốn. Đến hết tháng 6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.575 tỷ đồng, tăng 922 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40.
Nguồn vốn vay ưu đãi do Ngân hàng CSXH thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm thiểu bất ổn xã hội, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương và góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh. Đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 2,57%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian tới. Đó là tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội. Tập trung nguồn lực, tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, đặc biệt là giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ với tinh thần "thấu hiểu dân, tận tâm phục vụ".
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn nhấn mạnh: Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư là một chủ trương lớn, đúng, trúng của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Trên tinh thần quán triệt sâu sắc kết luận của Trung ương và kinh nghiệm của các địa phương trao đổi tại hội nghị, đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, trong đó quan tâm bố trí nguồn lực của địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.
Tại hội nghị đã tiến hành khen thưởng cho 22 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.
Hồng Giang - Minh Đường