Việc trồng rừng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng hiện có ngoài mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng cường sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, còn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, đặc biệt là trong công tác giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Năm 2012, hưởng ứng Tết trồng cây với chủ đề "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh", cùng với nhân dân trong toàn tỉnh, huyện Nho Quan ra quân trồng từ 15-20 nghìn cây, trong đó phấn đấu có từ 95% trở lên cây trồng được chăm sóc, bảo vệ và phát triển tốt. Trong năm huyện tập trung trồng rừng thuộc các chương trình, dự án theo hướng liền vùng, liền khoảnh; rừng phòng hộ trồng tại các địa điểm xung yếu, các khu đầu nguồn, vành đai rừng nguyên sinh Cúc Phương. Cây phân tán trồng dọc hai bên các tuyến đường giao thông, xung quanh trụ sở, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nghĩa trang, vườn tình nghĩa, vườn cây Bác Hồ, khu di tích văn hóa lịch sử, các làng bản, vườn đồi, vườn nhà.
Trong những năm qua, thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, huyện Nho Quan đã có kế hoạch cụ thể cho việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng việc xã hội hóa nghề rừng, phát huy nguồn vốn ưu đãi để tạo việc làm cho người lao động đặc biệt là khu vực miền núi, vùng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Chỉ riêng trong năm 2011, toàn huyện Nho Quan đã trồng được 40.000 cây lâm nghiệp phân tán, khoanh nuôi tái sinh 2.667 ha rừng, chăm sóc, bảo vệ 340 ha, chuyển đổi hàng trăm ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triến kinh tế-xã hội năm 2011 của huyện. Có thể khẳng định, trồng rừng đang là một hướng đi tích cực mang lại lợi ích nhiều mặt.
Đồng chí Quách Văn Từ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nho Quan cho biết: Phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện làm tốt công tác tuyên truyền về công tác chăm sóc và bảo vệ rừng trồng từ những năm trước và công tác chuẩn bị cho rừng trồng mới năm 2012. Cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tình hình chăm sóc và bảo vệ rừng trồng trong nhân dân. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện rừng trồng có tỷ lệ sống cao, nhiều nơi đạt trên 90%, chu kỳ cây trồng được rút ngắn từ 10 năm xuống còn 7 - 8 năm, nhiều hộ còn đầu tư trồng rừng thâm canh, chọn giống cây tốt, nên chất lượng trồng rừng ngày một nâng cao.
Đặc biệt, nếu như trước đây hiệu quả kinh tế từ 1 ha rừng sản xuất khi khai thác chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng thì nay đã tăng lên hơn 100 triệu đồng (kể cả sản phẩm tỉa thưa). Nguyên nhân là do người dân đã thực hiện đúng hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tuân thủ nghiêm túc các phương án phòng, chống cháy rừng đã được xây dựng phù hợp đối với từng địa phương. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đã được Nhà nước đầu tư xây dựng một vườn ươm có quy mô 1 ha để sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp trên địa bàn huyện và các vùng phụ cận.
Toàn huyện đã chuyển đổi được gần 4.000 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, đạt 80% kế hoạch. Bên cạnh việc chuyển đổi, Nho Quan còn chỉ đạo các xã tích cực trồng mới và khoanh nuôi rừng tái sinh, đến nay toàn huyện đã trồng mới được trên 400 ha rừng, khoanh nuôi gần 3.000 ha rừng tái sinh.
Năm 2012, huyện Nho Quan phấn đấu trồng 250 nghìn cây phân tán, trồng mới 400 ha rừng phòng hộ, bảo vệ gần 340 ha, khoanh nuôi tái sinh 2.600 ha. Để thực hiện kế hoạch này, Huyện ủy, UBND huyện Nho Quan đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc trồng và chăm sóc rừng, đồng thời chỉ đạo các địa phương quan tâm hơn tới công tác bảo vệ rừng. Khi số diện tích rừng trồng được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, huyện Nho Quan đã chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền đến nhân dân thông qua các buổi họp với các trưởng thôn, xóm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc và bảo vệ rừng trồng, chú trọng công tác phòng, chống cháy rừng.
Tập trung kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng từ huyện xuống cơ sở. Xác định các vùng trọng điểm, các điểm xung yếu có nguy cơ cháy cao để bố trí lực lượng theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức cho các thôn, xóm, bản và cụm dân cư ký cam kết đến các hộ gia đình để gắn trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCC rừng. Gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân, chủ rừng đến các hộ dân và cộng đồng, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ tài sản của Quốc gia.
Nguyễn Thơm