Quê ở xã Yên Thái, huyện Yên Mô, nhưng anh Đàm lại "bén duyên" với đất và người Tam Điệp. Anh tham gia quân ngũ, sau 3 năm rèn luyện anh trở về quê hương. Kinh tế cả nhà anh lúc đó chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng, nếu có cấy được 3 vụ lúa thì cũng chỉ đủ ăn, nghĩ gì đến chuyện làm giàu, do vậy cuối năm 1993 anh theo chân một số anh em, bạn bè vào vùng kinh tế mới Quèn Thờ (Đông Sơn, thị xã Tam Điệp) khai hoang.
Vất vả hơn 10 năm ròng, trang trại của anh Đàm cũng dần ra tấm ra miếng, quy củ và khoa học. Trên mảnh đất cằn ấy, chỗ anh quy hoạch trồng ngô, trồng sắn, trồng khoai, chỗ đào ao thả cá, chân núi là các cây lấy gỗ. Rồi anh đầu tư nuôi hươu, nhím, dê, gà... Đất không phụ lòng người, hàng chục ha dần được phủ kín màu xanh của cây lá. Anh Đàm cười mãn nguyện: Hiện nay trang trại của anh đã có hơn 140 con dê, 10 con hươu và 5 cặp nhím, 2 ha ao cá và hàng vạn cây gỗ quý, hàng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên.
Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trang trại, anh giới thiệu khá tỉ mỉ về kỹ thuật chăm sóc đàn dê của mình: sở dĩ đàn dê của anh phát triển mạnh như ngày hôm nay là nhờ anh biết áp dụng khoa học kỹ thuật và đặc biệt là sáng tạo trong việc chăm sóc đàn dê non mới sinh. Anh cho biết, trong mùa lạnh để dê con không bị bệnh, phát triển tốt, anh giữ dê con trong chuồng không cho theo mẹ kiếm ăn. Khi đó dê mẹ không phải dẫn theo con, thoải mái kiếm ăn nên có nhiều sữa cho dê con bú nên dê con rất mau lớn.
Đến giờ này khi đã trở thành triệu phú, nhưng anh vẫn suốt ngày cùng mấy anh em lao động trên trang trại, anh nói với chúng tôi: Nông dân mà không lao động thì đâu phải là nông dân, tuy phải lo toan, tính toán và công việc bề bộn suốt ngày nhưng nhìn lại những thành quả đạt được bằng chính mồ hôi, công sức của mình anh cảm thấy rất vui.
Hà Phương